Chậm tiến độ tuyến Metro, nhà thầu có thể bị phạt hơn 2 tỷ đồng/ngày

Nhóm phóng viên Bản tin Tài chính-Thứ năm, ngày 29/01/2015 22:34 GMT+7

Gói thầu số 2 của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên bị “nghẽn” vì vấn đề bàn giao mặt bằng. Ảnh: Tiền phong

Mức bồi thường do phía nhà thầu Nhật Bản yêu cầu lên tới 100.000 USD, tương đương hơn 2 tỷ VND một ngày.

Liên quan đến tuyến đường sắt Metro Bến Thành - Suối Tiên, sau 30 tháng chậm trễ bàn giao mặt bằng theo hợp đồng, phía nhà thầu Nhật Bản đã chính thức gửi đề nghị chủ đầu tư bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường lên tới 100.000 USD, tương đương hơn 2 tỷ đồng một ngày. Nếu bị xử phạt, số tiền đầu tư cho tuyến Metro này có thể bị đội vốn lên tới gần 4%.

Đã nhiều lần, thời hạn giải phóng mặt bằng thi công tuyến Metro số 1 đã bị chủ đầu tư lỡ hẹn, lý do là còn duy nhất công ty TNHH Vĩnh Phát, nằm trên địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương không chịu bàn giao khu đất rộng gần 2 ha phục vụ việc thi công. Sau nhiều lần lỗi hẹn, nhà thầu Nhật Bản đã chính thức lên tiếng đòi chủ đầu tư bồi thường. Đại diện chủ đầu tư cho biết, đang đàm phán về khoản tiền phạt này.

Hai tháng nay, nhiều lần đoàn vận động giải phóng mặt bằng đã đến làm việc và thuyết phục công ty Vĩnh Phát, tuy nhiên phương án đền bù là 125 tỷ đồng hiện vẫn chưa được Vĩnh Phát chấp nhận, với lý do là chưa thỏa đáng.

Bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty Vĩnh Phát - Bình Dương cho biết: "Việc kiểm kê tài sản của tôi còn thiếu, đất của tôi còn thiếu".

Sáng 30/01, Thị xã Dĩ An và UBND tỉnh Bình Dương sẽ chính thức đối thoại lần cuối với công ty Vĩnh Phát về việc giải phóng mặt bằng. Nếu công ty Vĩnh Phát không hợp tác bàn giao mặt bằng thì có thể tháng 3 tới, UBND tỉnh sẽ tiến hành cưỡng chế. Trong khi từ nay đến thời điểm đó, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM sẽ vẫn phải đối mặt với những yêu cầu phạt hợp đồng do vi phạm cam kết với bên thi công.

Ông Lê Khắc Huỳnh, Phó Giám đốc Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM nói: "Phải thực hiện theo đúng cam kết thôi. Lãnh đạo TP.HCM đã nói, ai ký hợp đồng người đó phải chịu trách nhiệm về việc bồi thường của mình, nhưng có những quy định ngặt nghèo về tài chính...".

Hơn 2 tháng chỉ vướng mắc duy nhất 1 doanh nghiệp khiến việc giải phóng mặt bằng chậm, mỗi ngày đối mặt với khoản tiền phạt hơn 2 tỷ đồng, hơn 2 tháng có thể là hơn 120 tỷ đồng tiền phạt, khoản tiền sẽ liên tục tăng lên vì chưa thấy một cam kết nào cụ thể. Chưa rõ trách nhiệm giải phóng mặt bằng sẽ được phân định thế nào, chỉ biết chắc chắn số tiền đền bù có thể lên đến cả trăm tỷ đồng nếu có sẽ đến từ tiền thuế của người dân.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước