Chậm triển khai thu phí không dừng: Nhà đầu tư BOT lên tiếng

Hoa Trà (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ năm, ngày 21/02/2019 10:15 GMT+7

VTV.vn - Phần lớn các nhà đầu tư đều ủng hộ thu phí không dừng nhưng vấn đề lại nằm ở cách triển khai của cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp sâu vào quan hệ dân sự giữa các DN.

3,3 tỷ đồng là tổng số tiền thu phí BOT trên toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Số liệu vừa được Tổng cục Đường bộ đưa ra trong ngày đầu tiên kiểm tra đột xuất tuyến cao tốc này, sau vụ cướp trạm thu phí Dầu Giây hôm mùng 3 Tết.

Con số này được nhiều báo đưa tin nhưng không bài viết nào chỉ ra số tiền này là nhiều hay ít so với báo cáo tài chính trước đó của chủ đầu tư trạm thu phí. Báo Thanh niên chỉ có được thông tin về mức thu phí bình quân trong dịp Tết Nguyên Đán trên tuyến cao tốc này là 3,24 tỷ đồng/ngày đêm. Kết luận sẽ đợi Tổng cục Đường bộ công bố sau 5 ngày kiểm tra, đo đếm.

Vấn đề được nhắc tới nhiều hơn sau vụ việc này, đó là vì sao các chủ đầu tư chậm triển khai thu phí tự động không dừng dù thu phí tự động sẽ nhanh hơn, tránh ùn tắc và thậm chí, không lo mất cắp. Nguyên nhân, liệu có phải vì chủ đầu tư sợ minh bạch, sợ công khai?

Câu hỏi được đặt ra trên báo Lao động. Theo bài báo, không ít chủ đầu tư BOT giao thông cố tình giấu bớt doanh thu thực để vừa được nộp thuế ít hơn vừa được kéo dài thời hạn thu phí. Tuy nhiên, theo phản ánh của chính các chủ đầu tư BOT trên báo Tiền phong, phần lớn họ đều ủng hộ thu phí không dừng nhưng vấn đề lại nằm ở cách triển khai của cơ quan quản lý nhà nước.

Hiện chỉ có 1 doanh nghiệp được Tổng cục Đường bộ lựa chọn độc quyền in thẻ đầu cuối, thiết bị và cung cấp dịch vụ thu phí tự động là Công ty VETC. Sau đó, buộc các nhà đầu tư BOT phải chịu một mức phí trích lại cho doanh nghiệp thu phí và phải theo mức cố định suốt đời dự án.

Báo Công an Nhân dân có một cách ví von là nhà đầu tư BOT bỏ hàng nghìn tỷ đồng ra làm dự án, xong lại giao cho một công ty khác quản lý, thu phí thì không khác gì "đem con bỏ chợ". Do vậy, tự mình thu phí vẫn hơn.

Trong khi đó, Tổng cục Đường bộ chỉ ra những khó khăn về hành lang pháp lý, khi dự án thu phí tự động không dừng có nhiều bên tham gia, 3 bên ký 3 loại hợp đồng, với 3 hình thức khác nhau dẫn tới chồng chéo nên khó xử lý trách nhiệm của các bên.

Quả bóng trách nhiệm vẫn đang được chuyền đi các bên. Chỉ có việc thực hiện thu phí tự động là không mấy dịch chuyển. Đến nay, mới có 109 làn thu phí không dừng, trong tổng số trên 600 làn thu phí phải thực hiện theo kế hoạch của năm 2018.

Thanh tra thu phí cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây Thanh tra thu phí cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây Thu phí tự động không dừng có thể tiết kiệm 3.400 tỷ đồng/năm Thu phí tự động không dừng có thể tiết kiệm 3.400 tỷ đồng/năm Nhiều hạn chế trong vận hành làn thu phí không dừng Nhiều hạn chế trong vận hành làn thu phí không dừng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước