Việt Nam đã liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Cảnh báo đã cho thấy những bất cập về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của Việt Nam. Để nhanh chóng có giải pháp chấn chỉnh, sáng 24/8, tại Lạng Sơn, Bộ NN&PTNT cùng 63 địa phương và các bên liên quan đã cùng bàn bạc giải pháp.
Hiện cả nước đã có gần 7.000 mã số vùng trồng và gần 1.600 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất.
Hiện cả nước đã có gần 7.000 mã số vùng trồng và gần 1.600 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, 8 tháng qua đã phát hiện gần 400 lô hàng chuối, xoài, thanh long, sầu riêng và mít… bị cảnh báo liên quan đến mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói của 13 tỉnh. Nguyên nhân là do chưa có sự chủ động trong xây dựng kế hoạch, quản lý giám sát mã số sau khi cấp, vẫn còn tình trạng sao chép hồ sơ, mượn mã số. Người sản xuất và doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật.
Bên cạnh tăng cường giám sát trực tiếp, các bên cũng đã đề xuất giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý kết nối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói từ trung ương đến địa phương thông qua trang thông tin điện tử. Việc minh bạch thông tin sẽ góp phần hạn chế gian lận, vi phạm.
Các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đều phải chịu sự giám sát của nước nhập khẩu. Vì vậy, đòi hỏi trách nhiệm sử dụng mã số của chính chủ thể và trách nhiệm giám sát của địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!