Hiện người dân xã Tri Lễ đang thu hoạch lứa chanh leo đầu tiên của năm mới 2019. Trong vòng 8 năm, diện tích trồng chanh leo của xã đã tăng từ 3ha lên 210ha. Chắc rằng không ít người sẽ ngạc nhiên khi được biết những quả chanh leo của bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao xa xôi nhất của tỉnh Nghệ An, giáp Lào này đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất trên thế giới như: Pháp, Canada….
Mỗi năm, hơn 60.000 tấn chanh leo được chở tới Công ty Cổ phần Nafoods Group để chế biến. 9.000 tấn thành phẩm được xuất đi từ nhà máy này, góp phần không nhỏ giúp Việt Nam chỉ trong vòng hơn 10 năm qua vươn lên trở thành một trong những cường quốc về chanh leo, chiếm 10% sản lượng trên toàn thế giới. Hiện quy mô thị trường chanh leo chế biến toàn cầu vào khoảng 400 triệu USD mỗi năm.
Tháng 11/2017, 3 tấn chanh leo tươi đầu tiên đã được xuất khẩu sang châu Âu, mở ra một thị trường rộng lớn hơn cho loại trái cây này. Các báo cáo thị trường cho thấy, chanh leo, vốn chỉ được xem là cây trồng ở bờ rào, không phải cây hàng hóa, lại là 1 trong 4 loại quả được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất trên thế giới. Việt Nam hoàn toàn có thể giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu chanh leo bởi lợi thế về địa hình và khí hậu, giúp cây trồng này cho sản lượng rất cao.
Hiện chanh leo đã được xuất khẩu sang 50 nước. Sau 8 năm, cây chanh leo đã thay đổi diện mạo của làng quê nơi đây, đời sống của người dân ngày càng khấm khá nhờ nghề trồng cây chanh leo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!