Nếu như năm 2000, khoản đầu tư từ Trung Quốc vào châu Âu chỉ là 104 triệu Euro, thì đến năm 2017, số tiền này đã tăng lên 300 lần, lên 30 tỷ Euro. Đặc biệt, khi quan hệ thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng, các công ty Trung Quốc lại càng mạnh tay đầu tư vào thị trường châu Âu.
Theo báo cáo của Công ty Baker McKenzie, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị các thương vụ mua bán/sáp nhập của Trung Quốc ở châu Âu cán mốc 20 tỷ Euro, cao gấp 9 lần so với các thương vụ ở Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, làn sóng phản đối thâu tóm cũng gia tăng nhanh chóng với nhiều thương vụ dính tới Trung Quốc bị các nước thành viên EU từ chối với lý do an ninh quốc gia.
Đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu thường được chia làm 2 loại. Thứ nhất, đầu tư của Trung Quốc nhằm chiếm lĩnh các công nghệ mũi nhọn, thường được Trung Quốc thực hiện ở các nước Bắc Âu và Tây Âu, ví dụ như khi Trung Quốc muốn mua hãng sản xuất robot của Đức. Thứ hai, đầu tư của Trung Quốc nhằm chiếm lĩnh các vị trí chiến lược, thường được Trung Quốc thực hiện ở các nước Nam Âu và Đông Âu - những nước nghèo hơn, nợ công cao, ví dụ như khi Trung Quốc mua cảng biển của Hy Lạp.
Đầu tư của Trung Quốc không phải lúc nào cũng chính danh. Theo thống kê từ châu Âu , có tới 70% số tiền do Trung Quốc đầu tư tại châu Âu từ năm 2000 đến năm 2014 là dưới danh nghĩa các nhà đầu tư đăng ký tại Hong Kong hay Caribbean, nhưng thực chất là tiền Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!