Mới đây, tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện; quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao của năm nay.
Gia đình ông Hinh (xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) có hơn 400 m2 đất ruộng nằm trong mặt bằng đoạn 11 km của dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Hiểu được lợi ích khi có một dự án giao thông trọng điểm, gia đình ông và nhiều hộ dân đã bàn giao đất cho dự án.
"Qua địa bàn chúng tôi là 32,7 ha, tới nay tiến độ chúng tôi giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp bàn giao cho bên thi công dự án đường Vành đai 4 đạt 100%", ông Nguyễn Khắc Trung, Bí thư Đảng ủy xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, cho biết.
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đoạn qua huyện Sóc Sơn đang trong giai đoạn thi công san đắp nền. (Ảnh: TTXVN)
Đến thời điểm này, huyện Mê Linh đã giải phóng mặt bằng được 100% diện tích đất nông nghiệp của dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Việc phân chia giai đoạn để có thể giải phóng mặt bằng từng loại đất như đất ở, đất nông nghiệp hay đất mồ mả được xem là chìa khóa để địa phương có thể giải quyết hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án đường Vành đai 4 dài gần 113 km. Trong tháng 11 vừa qua, dự án tiếp tục khẩn trương bàn giao mặt bằng tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Tổng vốn đã đầu tư cho dự án là 12,6 nghìn tỷ đồng, trong đó giải ngân đã đạt 64%. Ở giai đoạn này, các địa phương chủ yếu tập trung thanh toán cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.
"Đẩy nhanh việc giải ngân công tác tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, phê duyệt đến đâu huyện trả đến đấy. Đến nay tất cả các diện tích phê duyệt phương án bồi thường cơ bản đã giải ngân xong", ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mê Linh, TP Hà Nội, thông tin.
Ước giải ngân vốn đầu tư công hết 11 tháng năm nay đạt khoảng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,7% về tỷ lệ và con số tuyệt đối cao hơn đến 123.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Có 3 bộ, cơ quan trung ương và 15 địa phương giải ngân trên 75%. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục bộ ngành, địa phương giải ngân thấp, thậm chí còn chưa phân bổ hết vốn. Những đơn vị này sẽ buộc phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, từ đó có các giải pháp quyết liệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!