Các chỉ số sản xuất kinh doanh tháng 8 vừa qua tiếp tục cho thấy những tín hiệu khởi sắc của kinh tế nửa cuối năm. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Cổ phần nhôm Việt - Pháp đang nâng cấp hệ thống máy đùn, cắt, đặc biệt là đào tạo và tuyển dụng thêm các lao động có tay nghề cao giúp giảm thiểu hàng lỗi, tiết kiệm được chi phí sản xuất.
"Chúng tôi đã chuẩn bị dòng tiền, nguồn tiền trong những tháng cuối năm. Đầu tiên là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất, đa dạng mẫu mã sản phẩm, áp dụng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để đi vào các thị trường lớn hơn và chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Vũ Văn Phụ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nhôm Việt - Pháp, chia sẻ.
Với các ngành hàng chế biến, chế tạo, bài toán đau đầu nhất là giảm tỷ lệ phế phẩm và tăng tỷ lệ thành phẩm, nghĩa là giảm được các chi phí tái chế, tái sản xuất, cũng như giảm tỷ lệ lãng phí trong quá trình sản xuất. Như vậy doanh nghiệp nâng cao được năng lực và hiệu quả sản xuất.
Sự phục hồi trong 8 tháng vừa qua cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo đang trở lại vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Nếu nửa đầu năm nay, ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng 0,37% thì kết thúc 8 tháng tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng dẫn đầu về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD trong 8 tháng, tăng gần 15% so với cùng kỳ.
"Một số ngành đóng vai trò là động lực cho xuất khẩu đều có những tín hiệu tích cực như dệt, sản xuất hóa chất, sản xuất kim loại, kim loại đúc sẵn và giường, tủ, bàn, ghế", bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê, cho hay.
"Những mảng liên quan đến sản xuất vật liệu xây dựng đã có dấu hiệu nhập hàng, hay các mảng dệt may, da giày, phần tồn kho giảm rất mạnh, dự báo đơn hàng sẽ được đẩy nhanh hơn", bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho biết..
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là trên 25%. Trong khi đó, hàng xuất khẩu của công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao lên tới trên 95%. Vì vậy, sự phục hồi trong 8 tháng vừa qua cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo đang trở lại vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!