Bộ Công Thương cho biết, sau 2 quý đầu năm, sản xuất công nghiệp đã phục hồi gần bằng so với cùng kỳ năm 2022. Bước sang tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng, với mức tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Những tín hiệu tích cực như vậy được xem là bước đệm vững chắc để chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra.
Từ đầu năm, Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp đã chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu. Đến nay, 40% sản lượng của doanh nghiệp phục vụ thị trường quốc tế. Theo đại diện doanh nghiệp, trong giai đoạn thị trường vẫn còn khó khăn, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Thị trường có những khởi sắc từ đầu năm đến nay, thể hiện qua các đơn hàng tăng lên, đặc biệt là việc làm của người lao động đều đặn hơn, không phải nghỉ luôn phiên. Các đơn hàng đã dần dần tăng lên vào quý II, quý III này", ông Vũ Văn Phụ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp, cho biết.
Sau 2 quý đầu năm, sản xuất công nghiệp đã phục hồi gần bằng so với cùng kỳ năm 2022. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Đáng chú ý, sau 7 tháng đầu năm, lần đầu tiên giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cao hơn so với kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 168,3 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng giá trị xuất khẩu.
"Nguyên liệu là yếu tố rất quan trọng, nó tăng lên cho thấy dấu hiệu khôi phục sản xuất và cái này sẽ đi kèm những cái IIP, PMI mà hồi phục dần sẽ kết hợp với nhau, khẳng định nền kinh tế đang dần dần, bắt đầu hồi phục", ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Đất Việt, đánh giá.
Năm nay, mục tiêu chỉ số phát triển công nghiệp đạt từ 8 - 9%. Do vậy, nhiều giải pháp đã được triển khai để ngành công nghiệp đạt được mục tiêu đề ra.
"Từng bước đưa những dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn vào vận hành để tạo ra sản xuất ở trong nước, tiêu thụ trong nước và từng bước xuất khẩu. Thứ hai, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho Bộ Công Thương. trong việc ban hành, hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực công nghiệp để tạo ra nguồn lực phát triển công nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn", ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, thông tin.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng một số loại khoáng sản, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ ban hành các văn bản để đưa những khoáng sản có giá trị này vào khai thác và sử dụng, từ đó tạo ra động lực mới cho phát triển công nghiệp cũng như giúp Việt Nam tự chủ nguồn nguyên liệu trong việc sản xuất các sản phẩm mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!