Tờ Bloomberg đưa tin, nhà máy mới của SMIC, được xây dựng tại Thâm Quyến, là dự án lớn đầu tiên nằm trong kế hoạch tổng thể của Chính phủ Trung Quốc nhằm sánh ngang với Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chip tiên tiến.
Theo hồ sơ trên sàn chứng khoán, SMIC đã đồng ý hợp tác với thành phố Thâm Quyến để phát triển và vận hành một nhà sản xuất chip mới có thể sản xuất những con chip có kích cỡ từ 28 nanomet trở lên.
Liên doanh này đặt mục tiêu sản xuất vào năm 2022 và khi hoạt động hết công suất, nó có thể tạo ra 40.000 tấm thành phẩm kích thước 12 inch mỗi tháng. Sau những thông tin về nhà máy mới, cổ phiếu của SMIC đã tăng thêm 3% vào thứ 5.
SMIC đặt mục tiêu sản xuất những con chip tiên tiến ở nhà máy mới
Bloomberg nhận định, Trung Quốc đang muốn xây dựng một nhóm các những "gã khổng lồ công nghệ", có thể sánh vai với những tập đoàn hàng đầu như Intel Corp hay TSMC trong kế hoạch 5 năm tới. Trong cuộc chạy đua về công nghệ, sản xuất chip được đánh giá là mặt trận rất nóng giữa hai siêu cường.
Bắc Kinh được cho là đang nhanh chóng cắt giảm sự phụ thuộc vào phương Tây ở một số mặt hàng quan trọng như chip. Nhu cầu càng trở nên cấp thiết hơn khi tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu ngày càng trầm trọng trong đại dịch.
Washington cũng đã đưa một số công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen trong đó có SMIC nhằm hạn chế công ty này tiếp cận với các công nghệ có yếu tố Mỹ. Hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền Biden có cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán hàng cho SMIC trên quy mô lớn hay sẽ gây áp lực với các đồng minh ở châu Âu và các nơi khác nhằm gây sức ép với công ty Trung Quốc.
Các nhà sản xuất chip Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất những con chip tiến tiến hơn. Các con chip do Trung Quốc sản xuất được sử dụng cho ngành công nghiệp tự động đến các loại tivi nhưng theo các chuyên gia, cần thêm hàng tỷ USD và nhiều năm thử nghiệm, các để công ty Trung Quốc sản xuất được những chip bán dẫn dành cho điện thoại thông minh.
Cuộc cạnh tranh trên lĩnh vực chip bán dẫn ngày càng nóng
Dự án Thâm Quyến của SMIC sẽ là trong số ít các nhà máy nội địa Trung Quốc tập trung sản xuất các tấm thành phẩm có kích thước 12 inch thay vì 8 inch, qua đó có thể gắn nhiều chip hơn và tiết kiệm chi phí.
Nỗ lực của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh, Thượng viện Mỹ đang xem xét đưa vào dự luật mới một khoản tài trợ trị giá 30 tỷ USD cho các biện pháp đã được phê duyệt trước đó, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh cho ngành công nghiệp sản xuất chip của nước này trước các đối thủ Trung Quốc.
Nguồn tin giấu tên cho hay các nhà lập pháp đặt mục tiêu có một cuộc bỏ phiếu đầy đủ vào tháng 4 cho gói dự luật trên, trong đó bao gồm các biện pháp khác để thúc đẩy lĩnh vực công nghệ của Mỹ. Hiện dự luật chưa được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng đã "giảm tốc" quá trình phê duyệt giấy phép cho các công ty Mỹ như Lam Research Corp và Applied Materials Inc, muốn bán thiết bị sản xuất chip cho SMIC, giữa bối cảnh tác động của tình trạng thiếu chip toàn cầu ngày càng lan rộng.
Các nguồn tin trên cho biết các nhà cung ứng Mỹ đã không nhận được giấy cấp phép vận chuyển thiết bị và vật liệu với trị giá 5 tỷ USD, sau khi SMIC bị đưa vào "danh sách đen" hồi tháng 12/2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!