Con số này nằm trong tầm kiểm soát và không ngoài kịch bản dự báo trước đó của Tổng cục Thống kê.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số khu chợ dân sinh, giá cả hàng hóa có dấu hiệu tăng, tuy nhiên không đáng kể. Bà Nguyễn Thị Hoài, tiểu thương chợ Cống Vị, Hà Nội, cho biết: "Từ đầu năm đến giờ giá cả lên xuống thất thường".
Trong 11 nhóm hàng hóa, có 5 nhóm hàng tăng giá, đặc biệt là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng và nhóm xăng dầu. Tết Nguyên đán Quý Mão rơi vào tháng 1, cùng các chính sách như hỗ trợ thuế, phí đã hết hiệu lực từ đầu năm nay cũng khiến giá cả hàng hóa tăng trở lại.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, nhận định: "Theo dự đoán của chúng tôi, CPI tháng 3 sẽ không có biến động nhiều so với tháng 2. Ngay từ đầu tháng 3, chúng ta giảm giá xăng dầu, thời tiết thuận lợi đảm bảo nguồn cung lương thực. Bình quân quý I năm nay sẽ dưới mức 4,5%".
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho biết: "Mức tăng CPI như hiện nay là một mức tăng thấp so với những tháng đầu năm của 6 năm trở lại đây. Giá cả ngay cả trong năm 2022 và tháng đầu năm 2023 tương đối ổn định. Đây là nỗ lực của các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương".
Trước tình hình lạm phát được dự báo đạt đỉnh trong quý I này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!