Chỉ số PCE, vốn theo dõi giá trị hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng chi trả, đã giảm 0,2% trong tháng 3, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2016 và là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1/2015. Tuy nhiên, chỉ số PCE cốt lõi, vốn loại trừ thực phẩm và các danh mục năng lượng, đã giảm 0,1%, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 9/2001.
Điều này đi ngược với dự báo trước đó của các nhà phân tích là chỉ số này sẽ không thay đổi. Trong khi đó, xu hướng dài hạn cũng cho thấy sự đi xuống. Chỉ số PCE trong 12 tháng đã giảm xuống 1,8%, thấp hơn mục tiêu 2% của FED và giảm từ mức 2,1% trong tháng 3.
Đây là dấu hiệu nữa cho thấy giá cả đã giảm đi trong bối cảnh một số chỉ số lạm phát đã đi xuống trong những tháng gần đây, qua đó giảm bớt áp lực cho các nhà hoạch định chính sách của FED trong việc đẩy nhanh việc tăng lãi suất.
Ngày 15/3, FED đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 0,75-1,0%, đồng thời phát đi tín hiệu rằng thể chế này vẫn sẽ theo đuổi lộ trình nâng lãi suất một cách từ từ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc thị trường lao động siết chặt, tỷ lệ thất nghiệp giảm và việc làm tăng lên có khả năng sẽ khiến FED quyết tâm tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2017.
FED dự kiến cân nhắc chính sách tiền tệ vào ngày 2 và 3/5 và sẽ không điều chỉnh lãi suất trong thời gian này.
Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát khác được Mỹ theo dõi chặt chẽ, cũng giảm trong tháng 3. Ngoài ra, thu nhập cá nhân của nước này đã tăng 0,2% (tương đương 40 tỷ USD), trong khi chi tiêu tăng ít hơn 0,1% (tương đương 5,7 tỷ USD).
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!