Có thể ví Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI như hàn thử biểu đo chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Chỉ số quan trọng này đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố sáng nay (22/3) tại Hà Nội.
Cuộc điều tra PCI 2017 nhận được sự phản hồi của trên 10.200 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.800 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Vươn lên dẫn đầu bảng năm nay là tỉnh Quảng Ninh, vượt qua vị trí số 1 của Đà Nẵng với 4 năm liên tiếp nắm giữ vị trí này.
Nếu những năm trước chi phí không chính thức luôn là điều nhức nhối đối với các doanh nghiệp thì trong báo cáo PCI năm 2017 tiêu chí này đã có xu hướng cải thiện tích cực. Lần đầu tiên Quảng Ninh đã vươn lên vị trí dẫn đầu với số điểm 70,7, tiếp ngay sau đó là các địa phương đã khá quen thuộc là Đà Nẵng, Đồng Tháp, Long An. Đây là những địa phương có cải cách mạnh mẽ, phương thức hỗ trợ doanh nghiệp thực chất, hiệu quả. Trong khi đó nhóm nằm cuối bảng xếp hạng vẫn là Đăk Nông, Bình Phước, Kon Tum. Đáng chú ý là điểm số trung bình trong bảng xếp hạng đã được nâng cao cho thấy mức độ cải thiện của các địa phương đã có chuyển biến khá tốt. Xu hướng tích cực được ghi nhận nhiều trong lĩnh vực cải cách hành chính khi 67% doanh nghiệp cho biết thời gian thực hiện thủ tục hành chính đã được rút ngắn hơn so với quy định, chi phí không chính thức đã giảm từ 66% năm ngoái xuống còn 59% trong năm nay. Tuy vậy, năm nay PCI cũng ghi nhận xu hướng đáng lo ngại về tiếp cận đất đai khi rủi ro bị thu hồi đất gia tăng, doanh nghiệp gặp khó khăn khi mở rộng mặt bằng sản xuất tăng lên. Tính minh bạch cũng giảm đi khi có đến 70% doanh nghiệp cho biết cần có mối quan hệ để có thể có được các tài liệu của tỉnh.
PCI2017 có những điểm gì đáng chú ý nhất. Lạc quan và hy vọng. Đó chính là tâm lý của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh tại 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Tâm lý này chưa thấy rõ trong các năm trước đó. PCI năm nay có nhiều kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, cho thấy mức độ cải thiện môi trường kinh doanh đã có tiến bộ rõ rệt. Có thể thấy ngọn lửa cải cách được Chính phủ nhóm lên đã không chỉ dừng ở cấp trung ương, mà ngọn lửa này đã được chuyển về các địa phương, thu được một số kết quả tích cực.
Không chỉ với doanh nghiệp trong nước, điều tra PCI năm 2017 cho thấy, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hài lòng hơn rất nhiều về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Thời gian hoàn tất các thủ tục cấp phép đầu tư đã ngắn lại. Những gánh nặng thủ tục giai đoạn hậu đăng ký như bảo hiểm xã hội, thuế, lao động, cũng đã được giảm bớt so với những năm trước đó. Tính minh bạch được đánh giá ngày càng rõ nét trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài
PCI 2017 còn ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành rất ấn tượng của chính quyền các địa phương trên cả nước. Đây là lần đầu tiên điểm trung bình của PCI đã thu hẹp ở mức kỷ lục khi hầu hết các địa phương đều có điểm số PCI tăng và khoảng cách giữa các tỉnh cuối bảng và top dẫn đầu không đáng kể.
Nhiều tỉnh cũng đã có những cải cách mạnh mẽ trong một số lĩnh vực như thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy.
Không thể không nhắc tới chi phí không chính thức. Vì dù chỉ số này có giảm so với các năm nhưng vẫn có tới 59% doanh nghiệp vẫn phải chi các khoản chi phí này, 28% chưa hài lòng với chất lượng thi hành công vụ của các cơ quan chính quyền. Tiếp cận đất đai dường như khó khăn hơn và rủi ro nhiều hơn khi đảm bảo quyền sử dụng đất của doanh nghiệp.
Những địa phương tiên phong dường như chững lại, đòi hỏi phải tiếp tục có đột phá về cải cách thể chế ở cấp Trung ương cũng như các bộ ngành để tạo dư địa mới cho cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại các tỉnh, thành phố.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!