Chi tiêu tối giản trở thành xu hướng
Kiều Anh (31 tuổi) tự nhận bản thân là người sống tối giản, ăn tối giản và tiêu tối giản. Nhiều năm nay, Kiều Anh đặt cụm từ "tối giản" làm tôn chỉ sống. Với mọi việc, cô đều muốn đơn giản hóa và luôn bám chắc quy tắc tối giản.
Trung bình khoảng mỗi tháng một lần, Kiều Anh sẽ đăng bán 10 món đồ cũ trên trang cá nhân. Cô chia sẻ: "Nếu tôi muốn mua một chiếc áo mới, tôi sẽ phải bán đi một chiếc áo để đảm bảo tủ quần áo không đầy lên. Tôi đã làm việc này được 2 năm nay".
Theo Kiều Anh, ban đầu, tối giản chỉ đồ đạc, vật chất cụ thể nhưng sau này, khi chủ nghĩa tối giản ngày càng phổ biến, chúng ta có thể áp dụng tối giản vào cách chi tiêu trong cuộc sống.
Tuy nhiên, chồng của Kiều Anh lại phản đối cách sống này. Kiều Anh cho biết nửa kia của mình thường xuyên phàn nàn về việc không được mua số lượng quần áo theo sở thích mà phải đơn giản hóa để chiều theo ý vợ.
Chi tiêu tối giản dần trở thành xu hướng của giới trẻ (Ảnh minh họa: Pinterest).
"Anh ấy cho rằng sống tối giản là gò bó, là không thoải mái", Kiều Anh kể.
Anh Ngọc (28 tuổi) cho hay cô biết đến chủ nghĩa tối giản vào thời điểm dịch Covid-19 diễn ra. Lúc này, hầu hết mọi người đều chú ý đến sức khỏe của bản thân và hạn chế chi tiêu nhất có thể. Cô tìm đọc các tài liệu về sống tối giản và áp dụng dần vào cách mua sắm, chi tiêu.
Ngọc thừa nhận từ khi áp dụng cách chi tiêu tối giản, chỉ mua những món đồ thật sự quan trọng và cần thiết, sử dụng liên tục thay vì hứng lên là mua như ngày trước, cô tiết kiệm được khá nhiều tiền.
"Ngày trước, tôi có đến gần 20 cái túi xách, mỗi cái một kiểu, một màu nhưng có những cái mấy năm không được dùng đến. Tôi đã bán đi hết và chỉ giữ lại 3 chiếc với 3 màu cơ bản trắng, đen và be để dễ phối đồ. Vẫn thấy đủ dùng mà lại gọn gàng", cô kể.
Tuy nhiên, theo Ngọc, hãy áp dụng cách sống tối giản nếu chính bản thân cảm thấy phù hợp, thay vì chạy theo số đông. Bởi, thay đổi cách sống, cân đối chi tiêu không phải việc dễ dàng. Nếu động lực không xuất phát từ chính bản thân mình sẽ dễ nản, bỏ cuộc giữa chừng hoặc "tối giản sai cách".
Chi tiêu tối giản không phải tiêu ít tiền hơn
Erin Gobler - nhà văn nổi tiếng người Mỹ, chuyên gia tài chính cá nhân hướng đến đối tượng chủ yếu là nữ - cho biết cô từng hiểu lầm về lập kế hoạch tài chính cá nhân.
Erin luôn cảm thấy gò bò và có lỗi mỗi khi tiêu những đồng tiền do chính mình làm ra. Sau đó, cô tìm hiểu về cách chi tiêu tối giản và nhận ra mấu chốt vấn đề là: "Thay vì tiêu tiền vào những thứ bạn không thực sự quan tâm, bạn có thể tiêu nhiều tiền hơn vào những thứ bạn quan tâm nhất".
Theo Erin, áp dụng cách lập ngân sách tối giản có thể giúp bạn giảm chi phí hàng tháng, đơn giản hóa đời sống tài chính và thoát khỏi nợ nần.
Điều quan trọng cần lưu ý là việc tối giản ngân sách không giống như tiết kiệm. Ngân sách tối giản không nhất thiết là phải tiêu ít tiền hơn. Đó là việc tiêu tiền vào ít thứ hơn, vì vậy bạn chỉ tiêu tiền vào những thứ bạn thực sự coi trọng.
Một trong những lợi ích chính của ngân sách tối giản là nó cho phép bạn tự do chi tiền vào những thứ thực sự quan trọng đối với bạn. Để làm được điều đó, trước tiên bạn phải xác định được giá trị ưu tiên của mình là gì.
Về cách lập ngân sách chi tiêu tối giản, chuyên gia cho rằng một trong những cách tốt nhất cô tìm ra để chia nhỏ ngân sách là đó là chia theo tỷ lệ phần trăm 50/30/20.
Trong đó, 50% cho các nhu cầu như nhà ở, đi lại và mua bán tạp hóa, 30% cho những nhu cầu như đi ăn ngoài, giải trí và sở thích, 20% cho tiết kiệm và trả nợ.
Con số này có thể không đúng với tất cả bởi thu nhập của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, việc chia mức chi tiêu theo phần trăm sẽ giúp bạn hiểu thế nào là mua những thứ cần thiết, giảm bớt mua những món đồ không thực sự cần. Đó là ý nghĩa thực sự của chi tiêu tối giản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!