Giới trẻ các quốc gia đang chi tiêu thế nào khi thu nhập biến động?

Chuyển động 24h-Thứ ba, ngày 26/09/2023 11:02 GMT+7

VTV.vn - Dù thu nhập biến động, nhưng việc chi tiêu ở giới trẻ tại nhiều quốc gia vẫn thể hiện sự ưu tiên trong cuộc sống của họ.

Theo một khảo sát hồi tháng 6 của công ty đánh giá tín dụng Experian, tại Mỹ, 63% những người thuộc GenZ (tức là sinh từ năm 1997-2012) và 59% thế hệ Millennials (sinh từ 1981-1996) thà chi tiền cho trải nghiệm cuộc sống như du lịch và hòa nhạc hơn là tiết kiệm cho nghỉ hưu.

Một nghiên cứu gần đây đăng tải trên tờ Business Insider cũng cho thấy, người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 25 (tức thế hệ Z) cảm thấy cô đơn hơn bất kỳ nhóm nhân khẩu học nào khác. Để tìm kiếm sự kết nối, những người trẻ tuổi chi tiền cho việc đăng ký thành viên tại phòng tập thể dục, câu lạc bộ xã hội và các lớp học nghệ thuật. Những khoản phí này không nhỏ, vì ngoài phí đăng ký còn có phí duy trì thường niên, nhưng với họ tiền không thể mua được hạnh phúc, nhưng có thể giúp họ có được thêm những người bạn mới.

Xu hướng "mua" trải nghiệm của giới trẻ Hàn Quốc

Chi phí sinh hoạt tăng đang là vấn đề ảnh hưởng tới người dân nhiều nước trên thế giới, vấn đề này cũng không phải ngoại lệ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, giới trẻ Hàn Quốc vẫn có những cách để nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Giờ đây, họ có xu hướng chi tiêu cho những thứ gọi là "trải nghiệm", thay vì mua đồ đạc, vật chất để tích trữ. Nhiều người có thể coi các khoản chi tiêu tập trung dành cho những trải nghiệm thực tế là hoang phí, nhưng với giới trẻ Hàn Quốc lại hoàn toàn xứng đáng.

Giới trẻ các quốc gia đang chi tiêu thế nào khi thu nhập biến động? - Ảnh 1.

Fine dining - hình thức dùng bữa tại những nhà hàng cao cấp đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ Hàn Quốc. Thay vì dùng rượu soju bình dân, họ chuyển sang những lựa chọn đắt tiền hơn như rượu whisky. Một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường Trendmonitor thực hiện cho thấy, những người ở độ tuổi 20 và 30 có tỷ lệ ý kiến tích cực về việc dùng bữa tại một nhà hàng cao cấp cao hơn những người ở độ tuổi lớn hơn. Ví dụ như món bingsky - vốn là sự kết hợp của món đá bào Hàn Quốc bingsu và rượu whisky có giá 118 nghìn won, tương đương 2 triệu VNĐ, không hề rẻ nhưng vẫn trở nên phổ biến nhờ trải nghiệm sang trọng mà nó mang lại.

Một hoạt động phổ biến khác của giới trẻ Hàn Quốc là xem phim, nhưng không đơn giản chỉ là xem phim mà còn là để trải nghiệm các tiện ích mà phòng chiếu phim mang lại, như những chiếc ghế bọc da êm ái và được dùng bữa ngay tại chỗ. Giá vé của những phòng chiếu phim này cao gấp 4 đến 5 lần giá vé bình thường.

Giáo sư Lee Eun Hee - Chuyên ngành Nghiên cứu Tiêu dùng, Đại học Inha, Hàn Quốc: "Xu hướng chi tiêu của giới trẻ hiện tại là họ không muốn mua đồ để giữ nữa. Giờ họ coi trọng những thứ mà họ có thể sử dụng và trải nghiệm hơn".

Phong cách tiêu dùng này hiện khá phổ biến trên các mạng xã hội tại Hàn Quốc và được dự đoán sẽ tiếp tục thúc đẩy chi tiêu của giới trẻ nước này.

Tiêu nhiều nợ nhiều - vấn đề không cân đối chi tiêu của giới trẻ

Tiêu nhiều, thậm chí chi tiêu theo hình thức "mua trước, trả sau" đang khiến nhiều người trẻ đứng trước nguy cơ mắc nợ tín dụng - nhiều hơn so với các thế hệ trước. Và điều gì đến cũng phải đến, khi họ chi tiêu không có kế hoạch thì họ cũng sẽ thường xuyên đối mặt với căng thẳng hơn.

Giới trẻ các quốc gia đang chi tiêu thế nào khi thu nhập biến động? - Ảnh 2.

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu chính sách Singpore, cứ 10 thanh niên thì có 3 người trong độ tuổi từ 21-29 nói rằng họ sống dựa vào những tấm thẻ tín dụng. Chỉ cần chứng minh thu nhập tối thiểu 2.500 SGD mỗi tháng là bạn có thể quẹt trước một khoản gấp đôi. Ngoài tín dụng thẻ, còn có một loại tín dụng khác dễ tiếp cận hơn.

Chị Nurul Raiyhani - Người dùng dịch vụ mua trước - trả sau: "Rất dễ dùng và tiện lợi. Đây, bạn chọn một mặt hàng như chiếc chì kẻ mắt, chọn mua. Là xong".

Vấn đề ở đây là chị Nurul chỉ cần trả trước 1/3 giá trị hàng hóa, số tiền còn lại sẽ được chia đều cho các tháng sau. Không có phí bổ sung nào, nhưng đây cũng là lời mời gọi khiến cho những người nghiện mua sắm không thể ngừng vung tay.

Ông Aurobindo Ghosh - Giám đốc Chương trình hiểu biết tài chính dành cho giới trẻ Singapore: "Thanh niên giờ mắc nợ nhiều hơn các thế hệ trước vì họ có khả năng tiếp cận các công cụ tiêu tiền mới, như thẻ tín dụng. Nhưng họ phải thanh toán hết các khoản vay đúng kỳ và không để nợ lãi, vấn đề là có thể có việc phát sinh như sức khỏe hoặc mất việc chẳng hạn. Chúng tôi đã nghiên cứu và thấy 1/3 số thanh niên nợ thẻ tín dụng gấp 6 lần mức thu nhập hàng tháng".

Cũng theo phân tích của chuyên gia, nếu không thanh toán hết các khoản nợ ngay từ đầu thì giới trẻ sẽ hình thành thói quen mắc nợ ngày một nhiều hơn.

Thanh niên Nhật Bản tiết kiệm chi tiêu

Sau khủng hoảng bong bóng kinh tế từ năm 1986 đến 1991, xã hội Nhật Bản phải đương đầu với rất nhiều khó khăn như mất việc, thu nhập thấp, khó thăng tiến… Sau COVID-19, Nhật Bản lại đối mặt với làn sóng tăng giá liên tiếp, lạm phát tăng cao… Những khó khăn này đã góp phần tạo ra lối tư duy, xu hướng tiết kiệm mọi lúc mọi nơi của người Nhật.

Giới trẻ các quốc gia đang chi tiêu thế nào khi thu nhập biến động? - Ảnh 3.

Miria, 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học đã đi làm được 1 năm. Tuy nhiên, do lương khởi điểm thấp, Nhật Bản lại vừa trải qua hai đợt lên giá các mặt hàng nên phần chi tiêu cho cá nhân bị hạn chế nhiều. Ngoài việc lựa chọn giờ giảm giá của siêu thị để mua hàng thì các cửa hàng quần áo cũ là địa điểm Miria thường xuyên ghé thăm.

"Tình hình bây giờ khó khăn hơn nhiều so với thời bong bóng kinh tế. Cho nên người Nhật cũng thay đổi cách lựa chọn quần áo cho phù hợp với thời đại. Việc có thể tìm được một set quần áo mà chỉ với chút tiền đem lại cho tôi cảm giác "rất hời", được lợi hơn người khác. Với tôi đó là một niềm vui và là việc tốt vào thời điểm này", Miria nói.

Với những người đã từng trải qua thời kỳ bong bóng, vật giá được đội lên tận trời, thì nhìn cách chi tiêu hiện nay ít nhiều đem lại cảm giác "nghèo". Tuy nhiên, trên thực tế, người Nhật vốn rất thích tiết kiệm, tiêu thật ít tiền, đó là lý do "bữa trưa 1 xu" (500 Yen, tương đương 90 nghìn VNĐ), cửa hàng 100 Yen (tương đương 20 nghìn VNĐ) là lựa chọn hàng đầu trong tiêu dùng của người Nhật.

Anh Wata Nabe - Người đã từng trải qua thời kỳ bong bóng kinh tế: "Thời kỳ bong bóng thì cuộc sống vô cùng dư dả, tuy nhiên người Nhật cũng có xu hướng chắt bóp chi tiêu, tích cóp và thích cảm giác "hời" khi mua hàng, thường sẽ cảm thấy mãn nguyện khi mua được rẻ một món vốn có giá trị cao. Có thể nói đây cũng là một đặc trưng trong tính cách của người Nhật".

Xu hướng này được thể hiện nhiều trên các nền tảng xã hội, ví dụ phong trào hashtag "bộ đồ 2000 Yen" tức là cả quần áo, túi xách và giày dép chỉ tốn 360 nghìn VNĐ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước