Chiến lược phát triển đường sắt với tinh thần lớn là phải cải cách mạnh mẽ

P.V-Thứ tư, ngày 28/10/2020 19:21 GMT+7

VTV.vn -Thủ tướng giao Bộ GTVT xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với tinh thần lớn là phải cải cách mạnh mẽ ngành đường sắt.

Chiều 28/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW ngày 17.8.2008 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đánh giá, ngay sau khi Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai thực hiện bằng nhiều định hướng, giải pháp cụ thể và đạt được những kết quả nhất định.

Chiến lược phát triển đường sắt với tinh thần lớn là phải cải cách mạnh mẽ - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đó là, từng bước hoàn thiện hệ thống khung pháp lý trong lĩnh vực đường sắt tạo tiền đề trong việc quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt. Một số dự án đầu tư lĩnh vực đường sắt được hoàn thành đưa vào sử dụng đã từng bước nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng; tốc độ chạy tàu và an toàn đường sắt được cải thiện; sản lượng vận tải đường sắt năm sau cao hơn năm trước (doanh thu vận tải giai đoạn 2011-2015 bằng 167% so với 5 năm trước), sản lượng và lượng luân chuyển cũng đã có những tăng trưởng nhất định.

Công tác tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp trong lĩnh vực đường sắt được triển khai kịp thời, vai trò của quản lý nhà nước được nâng cao. Đường sắt đô thị tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã triển khai đầu tư một số tuyến nhằm giảm ùn tắc giao thông; đồng thời đã thành lập các doanh nghiệp quản lý đường sắt đô thị và hiện đã đi vào hoạt động để từng bước tiếp quản, đưa các dự án vào khai thác sử dụng.

Tuy nhiên, dự thảo báo cáo cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn một số tồn tại, hạn chế. Một số tồn tại, hạn chế được nêu ra như công tác lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chưa đánh giá được hết những yếu tố tác động, chưa phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực và điều kiện kinh tế - xã hội của từng giai đoạn nên tính khả thi chưa cao.

Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, duy tu bảo dưỡng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; khả năng xã hội hoá đầu tư trong lĩnh vực đường sắt còn gặp nhiều khó khăn.

Chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt mặc dù đã được cải tạo, nâng cấp tuy nhiên còn lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhiều nút thắt về vận tải trên các tuyến đường sắt hiện chưa được xử lý triệt để.

Chiến lược phát triển đường sắt với tinh thần lớn là phải cải cách mạnh mẽ - Ảnh 2.

"Các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều bị chậm tiến độ và phải điểu chỉnh tăng tổng mức đầu tư gây nhiều dư luận không tốt về dự án", dự thảo báo cáo nêu rõ

"Công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án đường sắt mới chưa được triển khai theo lộ trình đề ra. Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ Chính trị tán thành về chủ trương và được Chính phủ trình Quốc hội năm 2010, tuy nhiên chưa được thông qua và đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Các tuyến đường sắt kết nối với các khu vực, kết nối với cảng biển lớn, các khu công nghiệp, khu mỏ chưa được triển khai. Các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đều bị chậm tiến độ và phải điểu chỉnh tăng tổng mức đầu tư gây nhiều dư luận không tốt về dự án", dự thảo báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, kết cấu hạ tầng đường sắt, tài sản đường sắt còn nhiều bất cập. Sản lượng vận tải đường sắt từ năm 2016 có dấu hiệu sụt giảm, thị phần vận tải bằng đường sắt so với các phương thức vận tải khác có chiều hướng giảm sút từng năm. Công nghiệp đường sắt chưa phát huy được hết các lợi thế nhằm đáp ứng nhu cầu duy tu, sửa chữa đường sắt hiện có và các dự án đường sắt đô thị, các dự án đường sắt trong tương lai.

Chiến lược phát triển đường sắt với tinh thần lớn là phải cải cách mạnh mẽ - Ảnh 3.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam là rất cần thiết, do hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, phải được cải tạo, xây dựng mới để phát triển đất nước.

Về vấn đề phát triển đường sắt, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện Kết luận 27, hệ thống đường sắt đô thị Việt Nam có bước chuyển mình tốt. Công tác chuẩn bị đầu tư của ngành GTVT đã được chú ý hơn một bước.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam là rất cần thiết, do hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, phải được cải tạo, xây dựng mới để phát triển đất nước.

Lưu ý một số nội dung trong báo cáo, Thủ tướng đặt vấn đề, "chọn công nghệ nào trong phát triển đường sắt Việt Nam", cần có tư duy mới. Về suất đầu tư thì cần đưa ra các phương án để so sánh. Về nguồn lực đầu tư, một mặt giảm đầu tư công để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, mặt khác phải tìm nguồn lực để phát triển các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với tinh thần lớn là phải cải cách mạnh mẽ ngành đường sắt; đưa ra phương án khả thi, cụ thể, đặc biệt là đối với đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, coi đây là xương sống của chiến lược, cùng với các nhánh đường sắt liên tỉnh, liên vùng, đô thị. Báo cáo cần đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện tốt nhất để phát triển đường sắt Việt Nam, nhất là làm chủ công nghệ mới, những công trình cụ thể, phương án huy động vốn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước