Chiến lược xuất khẩu linh hoạt của Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 01/12/2022 06:16 GMT+7

VTV.vn - Tính chung 11 tháng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt hơn 340 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đạt 340 tỷ USD

Những chỉ số kinh tế - xã hội vừa được Tổng cục thống kê công bố cho thấy, 11 tháng của năm nay, dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều quốc gia đối diện với lạm phát tăng cao, chi tiêu được thắt chặt nhưng Việt Nam đã cố gắng bằng nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu.

Tính chung 11 tháng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt hơn 340 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD. Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đã ghi dấu ấn.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản tháng 11, đạt hơn 4,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng của năm nay, đạt hơn 49 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường chính thì thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 25%, Trung Quốc chiếm gần 19% và Nhật Bản chiếm gần 8%. Trong 11 tháng qua, cán cân thương mại ngành nông nghiệp đạt thặng dư gần 8 tỷ USD, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiến lược xuất khẩu linh hoạt của Việt Nam - Ảnh 1.

Tính chung 11 tháng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt hơn 340 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa.

Tạo đà tăng trưởng xuất khẩu nông sản năm 2023

Nhìn lại 11 tháng qua, trái ngược với tốc độ tăng trưởng ấn tượng những tháng đầu năm thì từ tháng 9 đến nay xuất khẩu nông sản lại cho thấy sự sụt giảm đáng kể đơn hàng do những tác động bởi lạm phát toàn cầu.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực từ nhiều phía ngành nông nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu. Năm 2022 cũng là năm ghi dấu những thành công nhất từ trước đến nay trong mở cửa thị trường. Đây sẽ là cơ sở để nông sản Việt bứt phá trong năm 2023.

Sau 44 tấn bưởi da xanh đầu tiên đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, mới đây nhất, quả nhãn tươi Việt Nam cũng đã được Nhật Bản chính thức cho phép nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn chính ngạch hóa nhiều loại nông sản khác như bưởi, chanh (sang New Zealand), chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang (sang Trung Quốc) .

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo với những nông sản đã có ký nghị định thư cần giữ uy tín, chất lượng, tránh tình trạng ồ ạt mở rộng diện tích chạy theo số lượng. Theo các chuyên gia, Việt Nam có cơ hội duy trì kỷ lục xuất khẩu nông sản trong năm 2023, do tiềm năng còn rất lớn.

Đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu

Xuất nhập khẩu 11 tháng vượt cả năm 2021 trong bối cảnh biến động toàn cầu về địa chính trị, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, cho thấy chiến lược xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi linh hoạt và thích ứng, vừa phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do ở các thị trường truyền thống, vừa mở rộng thị trường mới.

Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu vẫn tiếp tục dẫn đầu về thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Còn các các thị trường mới như khu vực Tây Nam Á, Saudi Arabia, Ấn Độ, hay Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Tây Châu Phi… nhu cầu nhập khẩu tăng liên tục từ đầu quý III đến nay.

"Hàng hoá Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng, mẫu mã với giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của đối tượng khách hàng tại Hoa Kỳ và luôn được đón nhận, tin dùng", ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho hay.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển cho biết: "Phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là mục tiêu xuyên suốt và dài hạn. Hàng loạt các cam kết sâu rộng về vấn đề này đã được cấp cao nhất của Việt Nam cùng với đó là các hoạt động quảng bá của các cơ quan đại diện đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng".

Chiến lược xuất khẩu linh hoạt của Việt Nam - Ảnh 2.

Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu vẫn tiếp tục dẫn đầu về thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Ngay khi nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của Việt Nam thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa... do tình hình lạm phát gia tăng, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại 176 thị trường nước ngoài và yêu cầu các Thương vụ cần phát huy vai trò vị trí tiền tuyến, mở rộng thị trường và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết: "Đơn hàng có chậm lại nhưng con số xuất khẩu tăng trưởng vẫn khả quan và đổi lại là các thị trường xuất khẩu, sự đa dạng hoá của sản phẩm được mở rộng… Từ giờ đến đầu năm sau, các doanh nghiệp cần chủ động các kịch bản linh hoạt hơn".

Nắm thông tin thị trường, chính sách mang tính chất quyết định, thậm chí là chiến lược với từng đơn hàng xuất khẩu vào lúc này đây là chìa khóa thành công đối với tăng trưởng xuất khẩu từ nay đến cuối năm.

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm nay có thể sẽ đạt con số kỷ lục là hơn 700 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể vẫn tiếp tục duy trì xuất siêu.

Xuất khẩu thủy sản có khả năng sẽ cán mốc 11 tỷ USD Xuất khẩu thủy sản có khả năng sẽ cán mốc 11 tỷ USD

VTV.vn - Năm 2022, xuất khẩu thủy sản được dự đoán sẽ cán mốc 11 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đều tăng trưởng ở mức hai con số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước