Tuần qua, Cục Thống kê Trung Quốc đã công bố một con số đáng chú ý. Đó là chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc trong tháng 3 năm 2023 chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể mức tăng 1% của tháng 2. CPI thấp một mặt cho thấy lạm phát đang được kiểm soát tốt, nhưng cũng đồng thời cho thấy sức tăng chi tiêu tiêu dùng chưa đủ mạnh, bởi mức lạm phát mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là 3%.
Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư công
Để thúc đẩy tăng trưởng khi mà tiêu dùng nội địa chưa đạt kỳ vọng, chính phủ Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh đầu tư công. Theo Bloomberg, 2/3 các khu vực kinh tế của Trung Quốc đã thông báo các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn, bao gồm hàng lạt dự án xây dựng hạ tầng giao thông, nhà máy và đường truyền dẫn năng lượng, khu công nghiệp. Tổng số vốn đầu tư lên đến 12,2 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,8 nghìn tỷ USD, tăng 17% so với năm 2022.
Phóng viên VTV đã cuộc phỏng vấn với ông Louis Kujis, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của S&P Global Ratings.
PV: Ông đánh giá như thế nào về các diễn biến kinh tế Trung Quốc trong quý 1 vừa rồi?
Ông Louis Kujis, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, S&P Global Ratings: Như chúng ta đều biết Trung Quốc vào thời điểm cuối tháng 12 năm ngoái, khi vẫn còn áp dụng tất cả hạn chế phòng dịch COVID-19, nền kinh tế đã bị đè nén. Nhưng bây giờ, người dân có thể thoải mái đi lại và tận hưởng cuộc sống trở lại, kinh tế chắc chắn sẽ hồi phục. Chúng tôi chứng kiến nhu cầu tiêu thụ, đi lại, và sản xuất tại Trung Quốc tăng lên. Những chỉ số khác như lĩnh vực thép, hay vận chuyển hàng biển cũng đang phục hồi. Sự phục hồi diễn ra trên diện rộng. Hiện chúng tôi đang chờ đợi dữ liệu chính thức sẽ được công bố vào tuần sau nhưng tình hình nhìn chung đều khả quan.
PV: Báo chí đều nói về việc chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023, theo ông kế hoạch này sẽ được triển khai như thế nào?
Ông Louis Kujis, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, S&P Global Ratings: Tại Trung Quốc, chi tiêu của chính phủ và đầu tư cơ sở hạ tầng đóng một vai trò lớn trong phát triển kinh tế. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng được kỳ vọng sẽ mở rộng và tăng trở lại trong năm nay. Hiện tại nền kinh tế đã hồi phục phần nào, dựa vào mức độ chi tiêu của các hộ gia đình. Nên chính phủ sẽ cân nhắc thêm các số liệu khác như nợ, hay mức độ ổn định tài chính của đất nước. Tôi không nghĩ Trung Quốc muốn chính sách kinh tế vĩ mô của mình quá mở rộng.
PV: Việc đẩy mạnh đầu tư công chắc chắn sẽ có tác dụng lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế. Liệu điều này có giúp đẩy mạnh sự hồi phục tiêu dùng nội địa không?
Ông Louis Kujis, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, S&P Global Ratings: Năm ngoái khi vẫn còn nhiều hạn chế, niềm tin của người tiêu dùng về nền kinh tế vẫn còn yếu. Đầu tư công hay chi tiêu vào cơ sở hạ tầng chắc chắn sẽ giúp củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Một sự kết hợp giữa việc các hạn chế được nới lỏng, và niềm tin được khôi phục bởi các chính sách, chắc chắn sẽ mang đến những tác động tích cực cho nền kinh tế
PV: Cuối cùng, ông đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay như thế nào? Làm cách nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% cho cả năm 2023?
Ông Louis Kujis, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, S&P Global Ratings: Tăng trưởng 5% có thể là 1 con số tham vọng tại Mỹ, châu Âu, nhưng với Trung Quốc thì không. Nếu nhìn vào xu hướng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong quá khứ thì 5% là mục tiêu tăng trưởng bình thường, và bền vững. S&P Global cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng ở mức gần 5% cho năm 2023. Nếu như năm ngoái tăng trưởng vẫn còn rất yếu, thì năm nay Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng, bằng cách đảm bảo người dân tự tin hơn với nhu cầu chi tiêu, mua sắm. Ngoài ra, Trung Quốc cần củng cố niềm tin của khu vực tư nhân rằng các doanh nghiệp có thể đầu tư vào Trung Quốc, và chính phủ sẽ tạo ra 1 sân chơi bình đẳng giữa các công ty tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Một môi trường đầu tư bền vững sẽ giúp kích thích tăng trưởng, và dễ dàng thuyết phục các doanh nghiệp bơm tiền vào đất nước.
Dòng vốn đang đổ vào xây dựng hạ tầng
Công nhân kiểm tra máy biến áp tại một nhà máy ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)
Theo nhận xét của chuyên gia kinh tế Louis Kujis, đầu tư công đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế Trung Quốc. Tại Trung Quốc, để đo được mức độ hoạt động của các dự án đầu tư công, có một chỉ số có thể tham khảo, đó là chỉ số "máy đào đất." Trong tháng 3 vừa rồi, chỉ số này đã lên tới hơn 69%, cao hơn đáng kể so với tháng 2. Con số 69% này thể hiện là có 69% số thiết bị kĩ thuật trên khắp đất nước đang hoạt động. Điều này cho thấy môi trường đầu tư công tại nền kinh tế lớn nhất châu Á đang rất nhộn nhịp.
Dữ liệu mới nhất cho thấy gần một nửa trong số 31 khu vực cấp tỉnh tại Trung Quốc lục địa đang tăng cường nỗ lực phát triển các chương trình cơ sở hạ tầng, với tốc độ hoạt động xây dựng của họ đạt mức cao nhất trong 4 năm. Trong số đó, các tỉnh An Huy và Giang Tây ở phía đông Trung Quốc đã chứng kiến tỷ lệ hoạt động của máy đào vượt quá 70% và tỷ lệ này ở một số khu vực phía bắc cấp tỉnh thậm chí còn tăng hơn 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Yang Daoling, Chủ nhiệm văn phòng Phân tích Dữ liệu Lớn tại Trung Quốc, nhận định: "Nhìn chung, các dữ liệu cho thấy kể từ đầu năm nay, các khu vực trên cả nước đã nỗ lực hết sức để tăng cường đầu tư hiệu quả nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động xây dựng dự án đang phục hồi nhanh chóng".
Theo ông Zhang Liqun, nhà nghiên cứu Kinh tế vĩ mô: "Vai trò chủ đạo của đầu tư hạ tầng tiếp tục được củng cố. Xu hướng ổn định hóa đầu tư bất động sản dần chuyển biến rõ rệt, doanh nghiệp ngày càng quan tâm tới đầu tư. Vì vậy, tổng thể đầu tư xây dựng hạ tầng từ đầu năm đến nay cơ bản đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực".
Ngoài ra, dữ liệu từ NBS cũng cho thấy tổng vốn đầu tư theo kế hoạch vào các dự án mới khởi công trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2 đã tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ vốn đã thanh toán trong giai đoạn này cũng tăng 12,5%.
Xuất khẩu và du lịch cho thấy triển vọng phục hồi
Các dự án đầu tư công của Trung Quốc tập trung chủ yếu vào xây dựng hạ tầng, kể cả hạ tầng giao thông lẫn viễn thông, cải thiện logistic và mạng lưới năng lượng, đây đều là những yếu tố quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh trong công nghiệp và dịch vụ phục vụ thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Số liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 3, bất chấp nhu cầu tiêu dùng toàn cầu đang có chiều hướng suy giảm, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã bất ngờ hồi phục ngoài dự kiến của các chuyên gia với mức tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước lên 821,9 tỷ USD.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023
Xét tổng thể, cho đến nay các dự báo cho đến nay đều cho thấy Trung Quốc sẽ tăng trưởng từ 5% trở lên. Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng 5% cho cả năm 2023. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đưa ra con số cao hơn, dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2%, trong khi OECD dự báo con số 5,3%. Đây đều là các dự báo tích cực, cho thấy kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi sau khi chỉ đạt 3% trong năm 2022. Triển vọng là rất rõ rệt và với các biện pháp kích cầu nội địa, tập trung vào đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh xuất khẩu, sẽ giúp Trung Quốc thực hiện được các mục tiêu đề ra. Đây cũng là nội dung góc nhìn quốc tế tuần này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!