Chính sách cho người nước ngoài mua BĐS ở Việt Nam: Còn nhiều vướng mắc

P.V-Thứ sáu, ngày 28/07/2017 14:00 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, ngày càng có nhiều người nước ngoài muốn ở lại Việt Nam sinh sống và làm việc.

Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ tháng 7/2015 đã mở rộng đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam. Các quy định mới đã đáp ứng được mong muốn cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào đầu tư, làm việc, sinh sống tại Việt Nam được có nhà ở; đồng thời góp phần tạo môi trường đầu tư tốt, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như kích thích nền kinh tế phát triển, phù hợp với chủ trương của nhà nước và xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.

Chương trình Hội nhập phát sóng ngày 26/7 với sự tham gia của ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam - đã cho thấy một bức tranh tổng thể về vấn đề người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Chính sách cho người nước ngoài mua BĐS ở Việt Nam: Còn nhiều vướng mắc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trao đổi cùng phóng viên VTV

Ông Hà cho biết, mục tiêu ban đầu của chính sách nhà ở cho người nước ngoài ở Việt Nam là tạo điều kiện cho cá nhân cũng như tổ chức nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiếp cận nhà ở. Như vậy, mục tiêu chính của chính sách này không phải để tác động đến thị trường bất động sản.

Trong năm 2016, số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam lên đến hơn 320.000 người. Con số này vẫn tiếp tục gia tăng trong năm 2017 và kéo theo nhu cầu sở hữu nhà lớn của người nước ngoài tại Việt Nam. Sau 2 năm Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực, đã có 549 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) được cấp cho cá nhân và tổ chức người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng (từ tháng 7 - 12/2015), hơn 1.000 căn hộ đã được bán cho khách nước ngoài, cao gấp 4 lần số căn hộ bán cho người nước ngoài bán trong 5 năm trước.

Được đánh giá là nguồn lực lớn để phá băng thị trường bất động sản, tạo sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư và giúp xử lý nợ xấu được hiệu quả hơn, rất cần những đột phá để thúc đẩy chính sách cho người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

Theo một nghiên cứu của Creditsmith tại một số quốc gia châu Á những năm gần đây, luôn có mối quan hệ chặt chẽ giữa các chính sách sở hữu bất động sản và sự tăng trưởng ổn định của thị trường này.

Một số nước châu Á đã có những thay đổi đáng kể từ khi áp dụng các chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, giúp cải thiện hình ảnh bất động sản nói riêng, cũng như toàn bộ ngành kinh tế nói chung. Luật Nhà ở khẳng định quyền của người nước ngoài được sở hữu bất động sản, nhưng đến thời điểm này, đất gắn liền với bất động sản đó sẽ như thế nào đang là điểm trống của pháp luật cần được lấp đầy.

Một số doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam cho biết một trong những chính sách mà họ quan tâm nhất là chính sách cho người nước ngoài sở hữu bất động sản ở Việt Nam. Họ cho rằng, muốn thu hút được nguồn lực bên ngoài vào lĩnh vực này, chính sách của Nhà nước và Chính phủ cần rõ ràng và cụ thể hơn. "Chính sách này là hoàn hảo cho việc thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi hiện lại có điểm khó chính là không biết rõ về tình hình chính sách của Việt Nam. Để đề xuất với chính phủ, chúng tôi lại cần thông qua các tổ chức để tham vấn nhưng những tổ chức như vậy lại chưa thấy có", ông Kim Dong Hwi - Tổng Giám đốc Công ty SEJOONG Việt Nam chia sẻ.

Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, ngày càng có nhiều người nước ngoài muốn ở lại Việt Nam sinh sống và làm việc. Chính vì thế, nếu Việt Nam có thể tạo điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà ở dễ dàng hơn họ mới có thể tập trung xây dựng cuộc sống "an cư lạc nghiệp".

Chương trình Hội nhập được phát sóng vào 22h45 -23h15 trên kênh VTV1. Đài Truyền hình Việt Nam với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP, Công ty TNHH MTV My Health, Công ty CP Peacelife Việt Nam và Trung tâm thông tin VIBIZ.VN.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước