Chính sách lãi suất năm 2023 của các ngân hàng trung ương lớn

VTV Digital-Thứ năm, ngày 15/12/2022 10:20 GMT+7

VTV.vn - Năm 2023, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ không còn quá áp lực như 2022, nhưng xu hướng duy trì lãi suất ở mức cao sẽ là phổ biến.

Lộ trình tăng lãi suất thế giới

Năm 2022 được xem là năm nhiều biến động với kinh tế thế giới. Trong báo cáo cập nhật mới nhất được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố, dự báo lạm phát toàn cầu trong năm nay sẽ đạt 8,8% - mức kỷ lục. Để kiềm chế, các ngân hàng trung ương buộc phải sử dụng tới công cụ tăng lãi suất.

Tính đến gần hết năm 2022 đã có ít nhất 260 đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, tức cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Dẫn đầu đà tăng này chính là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cơ quan này trong năm nay đã phải 7 lần liên tiếp tăng lãi suất. 12 tháng qua đã chứng kiến mức tăng nhanh nhất của lãi suất Liên bang Mỹ kể từ năm 1981. Song tốc độ tăng trong tháng cuối cùng của năm đã bắt đầu giảm.

Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết: "Trọng tâm bao trùm của chúng tôi thời gian tới là sử dụng các công cụ của mình để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% và giữ vững kỳ vọng lạm phát dài hạn. Chúng tôi tiếp tục dự đoán rằng các mức tăng tiếp theo sẽ phù hợp hơn. Ngoài ra, FED cũng tiếp tục quá trình giảm đáng kể quy mô bảng cân đối kế toán".

Dự báo lãi suất và thị trường Mỹ năm 2023

Hiện mức lãi suất kết thúc năm nay của FED là 4,25 - 4,5%. Thị trường đang phản ứng trước việc FED sẽ duy trì mức lãi suất cao trên 5% trong cả năm 2023. Vậy các chuyên gia phố Wall nhận định ra sao về điều này? Nếu các dự đoán tiếp theo lại đúng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ có hướng đi như thế nào trong ngắn, trung và cả dài hạn?

Chính sách lãi suất năm 2023 của các ngân hàng trung ương lớn - Ảnh 1.

Hiện mức lãi suất kết thúc năm nay của FED là 4,25 - 4,5%. Ảnh minh họa. (Ảnh: THX/TTXVN)

FED tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm không phải là điều bất ngờ với phố Wall. Họ cũng đã tiên lượng trước FED sẽ tăng tiếp ít nhất là hết quý I sang năm, nhưng có thể tốc độ sẽ giảm dần.

"Khi hướng tới năm 2023, FED sẽ có xu hướng điều chỉnh mức tăng lãi suất xuống chỉ còn 0,25 điểm % mỗi lần. Điều đó sẽ xảy ra nếu như lạm phát có xu hướng giảm tích cực như hiện nay", ông Alex Pelle - Chuyên gia kinh tế của Mizuho USA nhận định.

Các nhà hoạch định chính sách của FED, những người trong cuộc thì cho rằng lãi suất mục tiêu có thể sẽ còn được tăng lên tới mốc 5,1%, cao hơn mức dự đoán của thị trường. Nhưng đó là khi các dữ liệu sắp tới không thực sự khả quan. Còn nếu lạm phát tiếp đà giảm như hiện nay, thậm chí có thể nghĩ đến kế hoạch hạ lãi suất.

Ông John Willams - Chủ tịch FED New York, Mỹ nói: "Khi nghĩ về hướng đi trong tương lai, tôi nhìn thấy có thể một thời điểm nào đó năm 2024 lãi suất danh nghĩa sẽ được hạ vì lạm phát đang giảm. Và chúng tôi muốn lãi suất thực được định vị phù hợp dựa vào các yếu tố như nền kinh tế đang thực sự như thế nào? Biện pháp kiềm chế lạm phát hiệu quả ra sao? Tổng hoà tất cả các yếu tố".

Phố Wall đã tăng điểm khi FED tăng lãi suất như dự đoán nhưng chốt phiên lại bán ra vì Chủ tịch FED vẫn nói thận trọng về lạm phát. Sự lên xuống mong manh của thị trường khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu xu hướng giao dịch sẽ như thế nào trong những phiên còn lại của năm? Và bước sang năm sau ra sao?

"Đến giờ, tháng 12 đang là tháng giao dịch tốt nhất trong năm. Không chỉ ở việc giá trung bình cổ phiếu tăng mà còn do tần sóng tốt, nghĩa là tinh thần lạc quan đang lan toả. Thêm nữa là hiện tượng "ông già Noel phát quà" thường kéo dài từ 5 phiên cuối của năm cũ, sang 2 phiên tiếp theo của năm mới. Tỷ lệ xảy ra là 77% kể từ thế chiến thứ 2 và tôi tin năm nay cũng vậy", ông Sam Stovall - Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược, Công ty CFRA, Mỹ nhận định.

Về dài hạn, các chuyên gia phố Wall cũng cho rằng là cần phải chú ý đến các giao dịch trong tháng đầu tiên của năm mới. Bởi đây sẽ là hàn thử biểu thể hiện cho xu hướng giao dịch cho cả năm tiếp theo.

Có thể thấy FED sẽ còn duy trì lãi suất trên 5% trong cả năm sau và ở mức 4,1% cho cả năm 2024. Một thông tin mà các chuyên gia tài chính sẽ còn tiếp tục phải đánh giá tác động trong những ngày tới. Nhưng có lẽ lúc này thị trường đã phần nào thở phào và họ đang rất chờ đợi cái gọi là hiện tượng "ông già Noel phát quà" mà chuyên gia phố Wall có vừa nhắc tới trong giai đoạn ngắn hạn này.

Còn ở phía bên kia bờ Đại Tây dương, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) hôm nay (15/12) sẽ có cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm.

Dự báo tốc độ tăng lãi suất của ECB cũng sẽ hạ nhiệt khi dự đoán mức tăng chỉ còn 50 điểm cơ bản. Thị trường nhận định, khi mà cả ECB và FED cùng dần nới lỏng chính sách lãi suất, áp lực lên đồng USD sẽ không quá lớn giúp các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Dự báo chính sách tiền tệ của Nhật Bản năm 2023

Ở khu vực châu Á, với lãi suất cơ bản ở mức -0,1%, Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia hiếm hoi kiên quyết giữ mức lãi suất "siêu thấp". Tuy nhiên, việc đồng Yen giảm mạnh khoảng 25% giá trị kể từ đầu năm và lạm phát leo thang, đi kèm với chi phí và rủi ro tăng cao đang đe doạ chính sách ôn hoà của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Vậy trong năm 2023 chính sách lãi suất của BOJ sẽ như thế nào?

Hiện lãi suất ngắn hạn tại Nhật Bản được duy trì ở mức âm, còn lãi suất dài hạn được duy trì ở mức 0%, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ này.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kuroda cho biết, lạm phát đang có xu hướng tăng do tác động của chi phí nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô nhưng rõ ràng là mục tiêu lạm phát bền vững 2% vẫn chưa đạt được. Ông Kuroda cũng khẳng định, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì cho đến khi tạo ra được chu kỳ tăng tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế.

Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, lạm phát có thể đạt được mức 3% trong năm 2022 nhưng sẽ giảm xuống mức 1% trong năm 2023 và 2024. Nhưng để tạo động lực tăng trưởng, điều quan trọng là phải tăng lương đồng thời với lạm phát như đối với công ty lớn phải tăng lương bình quân từ 3% trở lên, còn đối với công ty vừa và nhỏ, tổng tiền lương phải tăng từ 1,5% trở lên so với năm trước.

Chính sách nới lỏng tiền tệ là một trong những nhân tố chính khiến cho lạm phát tăng cao, tuy nhiên để tăng lãi suất và thay đổi chính sách này không hề dễ dàng.

Chính sách lãi suất năm 2023 của các ngân hàng trung ương lớn - Ảnh 2.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg).

Tại cuộc họp của Ủy ban Ngân sách Hạ viện vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã đưa ra kết quả tính toán thử tác động khi tăng lãi suất. Theo đó, nếu lãi suất trái phiếu chính phủ tăng 1% thì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ bị lỗ 213 tỷ USD đối với trái phiếu do ngân hàng này đang nắm giữ và nếu tăng lên mức 5%, khoản lỗ sẽ lên tới khoảng 800 tỷ USD. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể mất khả năng thanh khoản đối với các trái phiếu đến kỳ hạn.

Tính toán của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho thấy tác động của việc tăng lãi suất là rất lớn, thậm chí tác động xấu theo dây chuyền đến toàn bộ nền kinh tế. Giải pháp tốt nhất hiện nay cho Nhật Bản là thúc đẩy tăng lương để tạo ra động lực tăng trưởng mới. Nếu có thể đạt mục tiêu tăng phù hợp vào cho đến tháng 4/2023 khi ông Kurodo hết nhiệm kỳ thì người kế nhiệm có khả năng không cần thay đổi chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay.

Có thể thấy năm 2023, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ không còn quá áp lực như 2022, nhưng xu hướng duy trì lãi suất ở mức cao sẽ là phổ biến nhằm xử lý dứt điểm lạm phát kỳ vọng trong nền kinh tế. Song song với đó sẽ còn những quốc gia như Nhật Bản tiếp tục phải nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích toàn nền kinh tế vốn chưa vực dậy hậu COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước