Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch đầy cảm xúc. VN-Index liên tục trồi sụt, phản ứng mạnh trước các diễn biến quốc tế. Kết tuần giao dịch, chỉ số hồi phục đáng kể lên sát mốc quan trọng 1.500 điểm. Điểm tích cực đến từ thanh khoản thị trường đang dần cải thiện tính từ sau Tết Nguyên đán.
Mức thanh khoản trên sàn HOSE tăng mạnh trong 3 phiên gần đây. Đặc biệt trong ngày 24/2, sau sự kiện căng thẳng tại Ukraine. Dòng tiền đổ mạnh vào thi trường, trở lại ngưỡng 30.000 tỷ đồng/phiên. Đây là tín hiệu cho thấy dòng tiền thường trực còn rất lớn, có thể giúp thị trường bứt phá bất cứ lúc nào nếu có yếu tố hỗ trợ đủ mạnh.
Tại Tọa đàm thường niên "Triển vọng đầu tư năm 2022" do FiinGroup và VNEconomy tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định triển vọng lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết khá tích cực.
Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch đầy cảm xúc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo các chuyên gia, thị trường cổ phiếu năm nay sẽ chịu tác động bởi 3 yếu tố chính gồm: triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp, mặt bằng định giá của thị trường (tính theo P/E) và các yếu tố bên ngoài (môi trường kinh tế vĩ mô như lãi suất, lạm phát…). Trong đó, yếu tố về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp là đáng lưu ý nhất.
"Tăng trưởng của khối tài chính (chủ yếu là ngân hàng) sẽ tích cực hơn so với phi tài chính, đây là điểm khác biệt lớn so với năm 2021. Điểm thứ hai đó là nhiều nhóm ngành tăng trưởng tốt trong năm 2021, thì năm nay chưa chắc đã đạt được mức tăng trưởng tốt như vậy, thậm chí là đi ngang hay suy giảm, ví dụ như ngành thép, cao su… Nhìn chung tôi đánh giá triển vọng lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết khá tích cực. Đây là những điểm trọng yếu hỗ trợ thị trường trong năm nay", bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích Dữ liệu, Dịch vụ Thông tin Tài chính, FiinGroup, đánh giá.
Trong khi đó, yếu tố định giá của toàn thị trường đang ở nền khá cao so với năm 2020 và các năm trước đó. Tính riêng định giá của VN-Index, PE đang ở mức 17,2 lần, tương đương mức trung bình từ 2018 đến nay. Tuy nhiên, định giá bị ảnh hưởng mạnh bởi ngân hàng, khi chiếm 1/3 vốn hóa và lợi nhuận, vì vậy cần xem xét riêng biệt khối phi tài chính và khối ngân hàng.
"Vì nền định giá khởi điểm cũng đang khá cao, nên nếu tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp giảm so với nền định giá thì đến cuối năm, giá cổ phiếu đó tăng thêm thì từ đắt sẽ thành rất đắt. Có những cổ phiếu mà tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm nay chắc chắn sẽ giảm, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ năm 2021, ví dụ các nhóm cổ phiếu mang tính chất chu kỳ, hàng hoá như phân bón, thép, vận tải biển… Vì vậy chúng ta không nên kỳ vọng mức lợi nhuận quá cao trong năm nay", ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính, cho biết.
FiinGroup khuyến nghị cổ phiếu một số nhóm ngành trong 2022 như: nhóm ngành giúp tránh rủi ro lạm phát (điện, dược phẩm); nhóm cổ phiếu kỳ vọng từ hưởng lợi từ đầu tư công đang triển khai (ngân hàng, bất động sản, bất động sản công nghiệp và vật liệu xây dựng); nhóm ngành hưởng lợi từ cầu hồi phục sau COVID-19 (bán lẻ, hàng cá nhân, thủy sản).
Để nói về nhóm cổ phiếu hàng hóa tăng theo chu kỳ và biến động đột ngột trên thế giới, nổi bật nhất lúc này là dầu khí. Sau tuần giao dịch đầy hưng phấn khi nhiều mã liên tục tăng trần, phiên cuối tuần qua lại đồng loạt điều chỉnh. Giảm mạnh nhất là PGD khi mất 4,3%, cùng với đó 2 ông lớn trong nhóm là GAS, PLX cũng giảm điểm.
Ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng hồi phục khá nhanh, làm trụ đỡ cho thị trường. VPB, TPB, HDB đều có thêm điểm, hay nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn thứ 2 thị trường là bất động sản cũng ghi nhận sắc xanh lấn át.
Với kỳ vọng hưởng lợi từ việc khan hiếm nguồn cung và sự sôi động chung trên thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp ngành này cũng đang nhanh chóng triển khai các dự án quy mô ngay sau dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!