Chủ đầu tư "om" quỹ bảo trì chung cư: Những "con voi chui lọt lỗ kim"!

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 02/10/2020 06:13 GMT+7

VTV.vn - Trung bình, cứ 10 chung cư ở thành phố thì có một chung cư đang xảy ra tranh chấp, mà 1 trong những nguyên nhân chính là việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì.

Cả nước hiện có hơn 4.000 chung cư - những cộng đồng cư dân điển hình của các đô thị. Khác với nhà mặt đất "nhà ai nấy lo", nhà chung cư có những không gian chung, nên có những ràng buộc về trách nhiệm và quyền lợi chung. Quỹ bảo trì sinh ra để bảo dưỡng, sửa chữa nhằm đảm bảo chất lượng vận hành và tuổi thọ công trình.

Chủ đầu tư om quỹ bảo trì chung cư: Những con voi chui lọt lỗ kim! - Ảnh 1.

Trung bình, cứ 10 chung cư ở thành phố thì có một chung cư đang xảy ra tranh chấp, mà 1 trong những nguyên nhân chính là việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Theo quy định của Luật nhà ở từ năm 2005, mỗi chủ sở hữu khi mua 1 căn hộ bắt buộc phải đóng 2% giá trị căn hộ vào quỹ này. Tính riêng lẻ thì không là bao nhưng gộp lại của cả 1 khu chung cư thì có thể lên tới vài chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ.

Cũng theo quy định, chủ đầu tư là người đứng ra thu và quản lý quỹ này cho đến khi Ban quản trị của người dân tại khu chung cư được thành lập. Nhưng trên thực tế, tiền thu vào tay chủ đầu tư thì dễ, mà trở về với cộng đồng dân cư thì không dễ dàng chút nào.

Thống kê tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, chỉ khoảng dưới 1 nửa số chung cư hiện tại nghiêm chỉnh thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì cho người dân, số còn lại chủ đầu tư hoặc chây ỳ, hoặc bàn giao không đầy đủ, dẫn đến những tranh chấp khiếu nại kéo dài.

Ví dụ như D'Le Roi Solei tại quận Tây Hồ, Hà Nội - một trong những dự án vốn được quảng cáo gọi là "5 sao". Thế nhưng sau 2 năm chính thức nhận bàn giao nhà, nhiều hạng mục vẫn chưa xây dựng xong theo như cam kết. Cũng giống như nhiều khu chung cư khác, Hội nghị nhà chung cư vẫn chưa được tổ chức để bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân.

Chủ đầu tư om quỹ bảo trì chung cư: Những con voi chui lọt lỗ kim! - Ảnh 2.

Thống kê tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy chỉ khoảng dưới 1 nửa số chung cư hiện tại nghiêm chỉnh thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì cho người dân (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Tranh chấp quỹ bảo trì càng bị đẩy cao lên nhất là khi việc quảng cáo bán chung cư trước đây với hiện trạng sau khi nhận nhà khác xa nhau… Các cam kết ban đầu của chủ đầu tư về các tiện ích đi kèm đều không thực hiện đúng, nhập nhằng chưa phân định được diện tích chung riêng, gây khó cho việc xác định phần diện tích nào sẽ được dùng kinh phí bảo trì, hay phí quản lý…

Thực tế là nếu chủ đầu tư được cầm quỹ bảo trì, thì tức là "cầm dao đằng chuôi". Họ có thể sử dụng sai mục đích và sẽ khó có nguồn để bù đắp nếu khoản tiền này biến mất, dù có cưỡng chế cũng sẽ không có hiệu quả. Đó là chưa kể nếu chủ đầu tư tuyên bố phá sản, thì cư dân rất khó có cơ hội lấy lại được nguồn tiền này.

Thống kê hiện trên địa bàn TP.Hà Nội vẫn còn trên 50% số chung cư thương mại chưa bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho Ban quản trị. Ngoài ra, vẫn còn 253/745 chung cư thương mại chưa tổ chức được Hội nghị của nhà chung cư và thành lập Ban quản trị…

Tại sao quy định bàn giao quỹ bảo trì cho Hội đồng quản trị của khu dân cư đã được quy đinh rõ trong luật song tỷ lệ chủ đầu tư không chấp hành lại lớn như vậy? Phải chăng các mức phạt chưa đủ sức răn đe với các nhà đầu tư? Có phải chúng ta đưa ra quy định, nhưng lại không cụ thể về cách thức thực hiện, dẫn đến sự nhập nhằng, kẽ hở để lách luật?

Những câu hỏi này phần nào sẽ được trả lời trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 1/10.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước