Chủ động phòng vệ thương mại ngay tại sân nhà

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 15/04/2024 06:22 GMT+7

VTV.vn - Theo Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp trong nước từ chỗ chưa quen, giờ đã biết sử dụng đầy đủ các công cụ phòng vệ thương mại.

Dù gia nhập WTO muộn hơn so với nhiều quốc gia, nhưng Việt Nam hiện đứng thứ 12 trong số các nước thành viên khởi xướng điều tra nhiều nhất các vụ việc phòng vệ thương mại với từ 2-3 vụ việc do doanh nghiệp Việt khởi xướng mỗi năm gần đây.

Thực tế này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng am hiểu và chủ động sử dụng công cụ này để bảo vệ sản xuất trong nước.

Nhà máy sản xuất phân bón DAP đã từng được bảo vệ bằng biện pháp tự vệ áp dụng khi hàng hoá nhập khẩu gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước. Nhờ đó, từ 1 doanh nghiệp thua lỗ hàng trăm tỷ đồng, công ty dần có lãi, và được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương. Việc nghiên cứu kỹ các công cụ phòng vệ thương mại đã giúp bảo vệ doanh nghiệp trước thực trạng phân bón tồn kho tại 1 số thị trường ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ bất thường, tạo cạnh tranh không lành mạnh.

"Có dấu hiệu của hiện tượng bán phá giá vào Việt Nam, do đó chúng tôi đang phối hợp với luật sư để thu thập các số liệu có liên quan để làm căn cứ khởi kiện chống bán phá giá", ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP – Vinachem cho biết.

Để có thể khởi kiện nhà cung cấp nước ngoài bán phá giá vào thị trường Việt Nam, thì với mỗi tấn phân bón, doanh nghiệp Việt Nam cần thu thập đầy đủ chi phí sản xuất và chi phí lưu thông của hàng hoá từ nước đó đến Việt Nam.

Ngành đường Việt Nam đang được bảo vệ bằng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan, điều này có được là nhờ các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong việc chứng minh vi phạm của đường nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn Dương thông tin: "Các nhà máy đường chúng tôi đã liên kết với nhau để cung cấp các thông tin cũng như bằng chứng, Hiệp hội cũng đã điều tra ở các nước trong khu vực".

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp trong nước từ chỗ chưa quen, giờ đã biết sử dụng đầy đủ các công cụ phòng vệ thương mại. Điều này giúp mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết: "Một số ngành có sự va chạm nhất định với thương mại quốc tế thì doanh nghiệp trong ngành cũng có những hiểu biết nhất định về phòng vệ thương mại. Hiện nay, khởi xướng điều tra nhiều nhất đó là mặt hàng thép, hóa chất, chất dẻo cao su".

Tuy nhiên, hiện cũng có một số doanh nghiệp vẫn e dè trong sử dụng công cụ phòng vệ thương mại do lo ngại phải cung cấp thông tin, lộ bí mật kinh doanh. Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp có thể yên tâm sử dụng công cụ này vì thông tin cung cấp độc lập và riêng rẽ cho luật sư, cơ quan điều tra và chỉ dùng để bảo vệ lợi ích chung của ngành sản xuất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước