Chứng khoán năm 2022: Nhóm ngành nào lên ngôi?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 11/02/2022 06:29 GMT+7

VTV.vn - Theo thống kê đà tăng trưởng cao của năm 2021 đến từ mức tăng trưởng vượt bậc trong 2 quý nửa đầu năm, trong khi 2 quý cuối năm lại giảm tốc khá mạnh.

Trong quý IV/2021 tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường chạm mức thấp nhất 5 quý gần đây (+ 14,1% so với cùng kỳ năm 2020), thậm chí còn thấp hơn mức tăng trưởng 18% của quý III là quý bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội.

Để lý giải cho sự giảm tốc này, hãy nhìn lại bức tranh kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm 2021 đó là tăng trưởng chủ yếu đến từ các ngân hàng với câu chuyện lợi nhuận tăng mạnh trên nền so sánh cùng kỳ ở mức thấp.

Thứ hai là nhóm chứng khoán với câu chuyện về thanh khoản thị trường liên tiếp lập kỷ lục và đẩy mạnh cho vay margin. Thứ ba, các doanh nghiệp ngành thép, logistic và vận tải biển hưởng lợi nhờ giá hàng hóa và cước phí tăng phi mã.

Tuy nhiên sang nửa cuối năm 2021 các câu chuyện này đều có phần nguội bớt. Tăng trưởng ngân hàng trong khi nửa đầu năm từ xấp xỉ 80% rồi 40% thì quý III là 19%, đến quý IV chỉ còn 6,8% khi các nhà băng phải cắt giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp vì dịch bệnh.

Tăng trưởng chứng khoán cũng giảm tốc khi thanh khoản càng về cuối năm càng hụt hơi, sang đến đầu năm nay vẫn hụt hơi.

Chứng khoán năm 2022: Nhóm ngành nào lên ngôi? - Ảnh 1.

Giá hàng hóa trên thế giới, có lẽ ngoại trừ dầu khí, còn lại cũng đã tạo đỉnh và giảm mạnh. Một thể hiện rõ ràng nhất là nhóm thép khi các cổ phiếu đều giảm 30 - 40% từ vùng đỉnh, dù gần đây có một vài phiên tăng nhưng có lẽ không ai kỳ vọng một đỉnh cao về giá mới của nhóm này được thiết lập trong thời gian gần.

Nhìn chung dù lợi nhuận sau thuế giảm tốc có một điểm sáng vẫn được nhìn nhận là lợi nhuận lõi của các doanh nghiệp phi tài chính phục hồi khá tốt năm vừa qua.

Lợi nhuận lõi của doanh nghiệp niêm yết phục hồi

Lợi nhuận lõi là lợi nhuận không bao gồm các khoản thu nhập từ đầu tư tài chính (thoái vốn, bán cổ phần, đánh giá lại tài sản).

Việc lợi nhuận lõi phục hồi cũng cho thấy các doanh nghiệp đã có nền tảng để thúc đẩy lại hoạt động sản xuất kinh doanh chính thay vì dùng hoạt động tài chính không bền vững để bù đắp tăng trưởng.

"Lợi nhuận của nhóm sản xuất tăng khá tốt, đạt 53.000 tỷ đồng tăng 34% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ tài nguyên cơ bản như dầu khí, hóa chất, phân bón…", ông Lê Ngọc Nam - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt cho hay.

Thực phẩm cũng là nhóm có tăng trưởng khá tốt với đại diện Masan ghi nhận chuỗi siêu thị đã đạt mức hòa vốn. Tuy nhiên không phải là không có vấn đề khi nhìn kỹ vào bức tranh, việc tăng trưởng lợi nhuận của nhóm tài nguyên được đánh giá khá ngắn hạn do phụ thuộc giá hàng hóa, còn nhóm bất động sản đang suy giảm tăng trưởng.

Bà Đỗ Hồng Vân - Chuyên viên Phân tích Cao cấp, Khối Dịch vụ Thông tin Tài chính, FiinGroup nói: "Nhóm bất động sản nhà ở có lợi nhuận lõi tăng 2 lần so với cùng kỳ nhờ việc bàn giao các sản phẩm nhà ở có giá vốn thấp của Vinhomes, còn lợi nhuận sau thuế của cả khối lại giảm 6%".

Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 2022

Nhìn lại các con số cũ cũng là một phần cơ sở để chúng ta bóc tách ra được các nhóm ngành có sức tăng trưởng tốt về lợi nhuận đồng nghĩa là sức tăng giá của cổ phiếu để đầu tư.

Trong 1 năm tăng trưởng 2021 với nhiều chữ "Nhưng", tăng trưởng tiếp diễn sang năm 2022 được dự báo sẽ có sự chênh lệch đáng kể, với hầu hết tăng trưởng dự kiến được phản ánh vào nửa cuối năm.

Chứng khoán năm 2022: Nhóm ngành nào lên ngôi? - Ảnh 2.

Việc cắt giảm thuế VAT từ ngày 1/2 sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa, bán lẻ chắc chắn hưởng lợi nhưng sẽ là sự phân hóa. Ảnh minh họa - Ảnh: PLO.

Những nhóm từng hưởng lợi vì COVID-19 đang suy yếu bây giờ lại là cơ hội phục hồi của những nhóm vì COVID-19 mà từng suy giảm. Giá nguyên vật liệu giảm, hết giãn cách thì hoạt động xây dựng sẽ sôi động trở lại.

Hay đang có những kỳ vọng nhất định vào nhu cầu tiêu dùng sẽ hồi phục sớm hơn dự kiến. Việc cắt giảm thuế VAT từ ngày 1/2 sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa, bán lẻ chắc chắn hưởng lợi nhưng sẽ là sự phân hóa.

Những cổ phiếu bán lẻ hàng máy tính bảng, laptop có lẽ không còn quá hấp dẫn khi nhu cầu sụt giảm do học sinh đến trường nhưng đây lại là cơ hội cho những doanh nghiệp điện tử điện lạnh hay ngành hàng tiêu dùng khác.

Khả năng mở cửa lại đường bay quốc tế cũng sẽ là một biến số được mong đợi theo chiều hướng tích cực cho ngành dịch vụ.

Nhiều công ty chứng khoán dự báo kết quả kinh doanh năm 2022 đều đạt tăng trưởng lợi nhuận trên dưới 15% so với năm ngoái. Hay như công ty Nhất Viêt, dự báo đưa ra còn ở mức 22 - 23%.

"Một số ngành duy trì tốc độ tăng trưởng mức cao, như ngân hàng, bán lẻ, công nghệ thông tin, dầu khí. Đặc biệt một số ngành có tăng trưởng đột biến như du lịch, hàng không…’, ông Nguyễn Minh Hoàng - Chuyên viên cao cấp Khối phân tích thông tin CTCP Chứng khoán Nhất Việt nhận định.

Chứng khoán năm 2022: Nhóm ngành nào lên ngôi? - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: PLO)

Thậm chí, Nhất Việt dự báo ngành du lịch, giải trí có thể ghi nhận mức tăng trưởng hơn gấp đôi so với năm ngoái. Theo sau là một số nhóm ngành như ngân hàng, dầu khí, dịch vụ tài chính, hay bán lẻ. Tiềm năng lợi nhuận thấy rõ, nhưng điều này lại chưa nhất thiết đồng nhất với tiềm năng tăng giá của cổ phiếu trong năm nay.

Ông Lê Ngọc Nam - Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt cho biết: "Không cứ là thị trường lợi nhuận cứ tăng 15% thì thị trường chưng khoán sẽ tăng như vậy. Tuy nhiên nó là tiền đề để chúng ta nhìn thấy sự phục hồi doanh nghiệp, tạo ra cơ hội cho các năm tiếp theo 2023 - 2024".

Đa phần ý kiến đều cho rằng nửa cuối năm 2022 sẽ cho thấy tiềm năng hấp dẫn hơn nửa đầu năm. Dù cơ hội đầu cơ sẽ hạn chế hơn, nhưng báo cáo của SSI nhấn mạnh, định giá P/E của VN-Index năm 2022 hiện ở mức 14,2 lần, hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực và qua đó kích hoạt xu hướng giải ngân đầu năm của các quỹ ngoại. Đây rất có thể là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt cho năm nay, sau 2 năm khối ngoại bán ròng triền miên.

Khi nhìn báo cáo tài chính có một điều nhà đầu tư cần lưu ý là báo cáo quý này lỗ chưa chắc giá cổ phiếu sẽ giảm hay báo cáo quý này lãi thì giá cổ phiếu sẽ tăng, quan trọng là so sánh với quý trước và cùng kỳ năm ngoái thế nào, triển vọng tới sẽ ra sao.

Lỗ mà là đáy thì là cơ hội, lãi mà là đỉnh sẽ là rủi ro. Đây sẽ là chỉ báo quan trọng để nhà đầu tư có thể tìm được các cổ phiếu có tăng trưởng hấp dẫn trong năm 2022 dự báo là khó cho việc đầu cơ nhưng lại hấp dẫn cho việc đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước