Chỉ tính riêng năm 2021, đã có gần 120.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể, bình quân mỗi tháng có khoảng 10,000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Các doanh nghiệp từ tất cả các lĩnh vực đều không tránh được những tác động của dịch bệnh. Tuy vậy, để vượt qua những khó khăn này, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp như: kinh doanh trực tuyến, họp trực tuyến, mở tài khoản trực tuyến……để phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Từ đó cho thấy, chuyển đổi số đã góp phần tích cực giúp cho mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp đã trở lại bình thường.
Đa dạng hóa dịch vụ thanh toán không tiền mặt
Ngân hàng số đang là một trong nhiều lĩnh vực chuyển đổi số mạnh mẽ nhất trong thời gian vừa qua. Tuy vậy, góp phần vào thành công đó là sự đóng góp của các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp về dịch vụ số, thanh toán số. Như tại VNPAY đang có khoảng 200 nghìn điểm chấp nhận thanh toán di động. Do vậy, để đảm bảo các giao dịch an toàn và thành công, ngoài việc sử dụng nhân sự, doanh nghiệp này phải liên tục nâng cấp hệ thống tự động và ứng dụng công nghệ tối đa vào hầu hết các bộ phận. Vì thế trong năm vừa qua, gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, năng suất lao động của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng, thậm chí họ còn tăng cường nghiên cứu và cho ra thị trường những giải pháp thanh toán thông minh phù hợp với mọi lứa tuổi.
Ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc VNPAY – QR cho biết:"Ngoài việc mở rộng mạng lưới thanh toán thì chúng tôi cải thiện sản phẩm cho người dùng, mở rộng ngành hàng. thời gian tới chúng tôi có sản phẩm ví gia đình, thì người dùng có thể dễ dàng tạo ví phụ cho các thành viên trong gia đình".
Tốc độ phát triển mạnh mẽ và thói quen tiêu dùng thay đổi sau Covid-19 được xem là cơ hội cho để thanh toán số tiếp cận gần hơn đến từng đối tượng khách hàng, qua đó góp phần mở rộng hệ sinh thái thanh toán, nhất là khi các tiện ích đó đang được ngày càng phát triển thông qua căn cước công dân gắn chip.
Thời gian qua Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABB) cũng không ngừng số hóa một loạt các dịch vụ góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy thói quen không dùng tiền mặt của người Việt Nam. Ông Vũ Văn Tiền, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABB) khẳng định "Thời đại 4.0 này rồi thì chuyển đổi số là điều tất yếu, là chiến lược mà ABBank đặt ra để thay đổi mô hình hoạt động, ứng dụng công nghệ hiện đại vào các khâu hỗ trợ kinh doanh, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho khách hàng."
Từ cuối năm 2021, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn quốc. Đây được coi là bước đột phá trong chiến lược phát triển thị trường, đem lại nhiều trải nghiệm và giá trị gia tăng cho khách hàng, đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Ông Lưu Văn Tuyến - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex khẳng định "Việc chính thức ứng dụng các giải pháp TTKDTM vào hệ thống CHXD thuộc Petrolimex trên toàn quốc nằm trong chiến lược xây dựng Tập đoàn trở thành Doanh nghiệp hàng đầu về chuyển đổi số, dựa trên các nền tảng công nghệ thông minh, an toàn, đổi mới sáng tạo theo mục tiêu tối ưu hóa chất lượng phục vụ, tiếp tục bồi đắp niềm tin, sự hài lòng của khách hàng; đồng thời, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Petrolimex".
Chuyển đổi số linh hoạt với từng mô hình, hoạt động kinh doanh
Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác điều hành/chỉ đạo kịp thời và thông suốt là quan trọng nhất. Ông Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẳng định sự chủ động chuyển đổi số trong thời gian qua tạo hiệu quả rõ ràng "chúng tôi triển khai hệ thống quản lý văn bản liên thông trực tuyến, hệ thống họp trực tuyến, hệ thống thông tin hỗ trợ quản trị/điều hành trực tuyến, hệ thống điều hành sản xuất trực tuyến, … đã giúp PVN ứng biến linh hoạt, hiệu quả với mọi biến động của môi trường, thị trường để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua và đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh như khi chưa có đại dịch cũng như giữ vững mức độ tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận của toàn Tập đoàn trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát vừa qua".
Điều này giúp PVN vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tăng trưởng đáng ghi nhận mặc dù đại dịch COVID-19 ngày càng khốc liệt trong các năm 2020-2021.
Trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và không ít những thách thức. Vì vậy, chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Theo bà Đinh Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Tuấn Minh Group, khẳng định "Khi dịch COVID-19 xảy ra chúng tôi đã coi đây là cơ hội để chúng tôi thực hiện việc chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, chúng tôi đã tiến hành xây dựng hệ thống CRM để quản lý khách hàng trên nền tảng đám mây kỹ thuật số và sẽ sớm đưa vào ứng dụng trong thời gian sắp tới. Chúng tôi đã triển khai việc chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh cốt lõi của tập đoàn qua hệ thống phần mềm cho viện dưỡng lão S-merciful và app dành cho điện thoại S-invest cho hoạt động đầu tư của khách hàng."
Hay như câu chuyện ở Sở hàng hóa Việt Nam, để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao dịch ngày càng nhiều của nhà đầu tư, họ đã phải áp dụng các phần mềm quản lý tiên tiến nhất, đảm bảo tính thông suốt, nhanh, kịp thời trong quá trình ra quyết định của nhà đầu tư. Ngồi tại Việt Nam, nhưng lệnh mua – bán của họ gần như ngay lập tức được kết nối với các Sở Giao dịch nước ngoài.
◊Ông Lã Việt Phương - Giám đốc Khối Công nghệ Thông tin, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) khẳng định: "Để thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển ổn định và hiệu quả, MXV đã thực hiện chiến lược chuyển đổi số ngay từ những giai đoạn đầu liên thông với thị trường thế giới. MXV đã chủ động xây dựng, phát triển và vận hành hệ thống giao dịch M-System tới toàn bộ các thành viên thị trường, các nhà đầu tư tham gia giao dịch hàng hóa. Việc tự chủ công nghệ giúp MXV hoàn toàn chủ động trong việc điều chỉnh, cập nhật, nâng cấp các tính năng số hóa, tự động hóa, giúp hoạt động giao dịch luôn thông suốt và ổn định".
Tính đến đầu năm nay, Việt Nam đã có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, với doanh thu lên tới hơn 135 tỷ USD. Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. BÀ Alicia Garcia Herrero, Nhà Kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của Natixis nhận định "So với các nước khác trong khu vực, khoản đầu tư chuyển đổi số của Việt Nam là khá lớn, điều này cho thấy tầm nhìn hợp thời của Chính Phủ, tuy nhiên, nhìn tổng thể thì mức độ số hóa hiện nay chưa cao. Do đó cần tập trung nguồn lực vào lĩnh vực tiềm năng mang lại lợi ích rõ ràng. Việt Nam có thể bắt đầu với thế mạnh của mình là ngành sản xuất công nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh dân số Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2017, nên cần đẩy mạnh chuyển đổi số để đảm bảo giảm lao động nhưng vẫn nâng cao năng suất. Ngoài ra, một số lĩnh vực tiềm năng khác cho việc số hóa mà tôi có thể kể đến như thương mại điện tử với mức tăng trưởng 25% mỗi năm, ngân hàng số và đặc biệt là xây dựng Chính phủ điện tử".
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Big data, IoT, điện toán đám mây,… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp. Mục đích mà các doanh nghiệp chuyển đổi số thường hướng tới bao gồm: Tăng tốc độ thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng. Việt Nam đang từng bước xây dựng và áp dụng hệ thống các chính sách phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các ngành nghề, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, giáo dục, truyền thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!