Chuyển đổi số trong ngành điện, lấy khách hàng làm trung tâm

P.V-Thứ năm, ngày 17/12/2020 14:06 GMT+7

Nỗ lực ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm sóc khách hàng, ngành điện Việt Nam đang dần hiện thực hóa mục tiêu là tập đoàn hàng đầu khu vực.

Thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ chính trị, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, EVN đã phê duyệt Đề án "Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam".

Mục tiêu của Đề án là xây dựng EVN trở thành Tập đoàn hàng đầu trong khu vực, phát triển bền vững, hiệu quả, ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cuộc CMCN 4.0 cho mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh - dịch vụ khách hàng, vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

Hiện nay, cơ khí Điện lực Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất các sản phẩm đòi hỏi trình độ công nghệ và độ chính xác cao như các máy biến áp 220kV công suất đến 250MVA, máy biến áp 3 pha 500kV - 467MVA, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500 kV; tự chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công, kết cấu thép cho nhiều công trình thuỷ điện, nhiệt điện lớn, có tầm quan trọng quốc gia.

Công nghệ tự động hóa điều khiển, kỹ thuật số cũng được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng và vận hành hệ thống điện, thị trường điện. Đến cuối năm 2020 EVN đã đưa vào vận hành 63 Trung tâm Điều khiển và thực hiện điều khiển xa không cần người trực 707 trạm biến áp 220 - 110kV (chiếm gần 83% tổng số trạm biến áp có kế hoạch chuyển đổi). Lưới điện truyền tải và phân phối được đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng, như: Ứng dụng thiết bị điện tử công suất (SVC); áp dụng công nghệ chẩn đoán trạng thái thiết bị như: Kiểm tra phóng điện cục bộ máy biến áp 220 – 500 kV; giám sát dầu online tại trạm biến áp 500kV; sửa chữa lưới điện không cần cắt điện...

Đặc biệt, giải pháp vệ sinh cách điện hotline (trên lưới điện đang mang điện) đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2011. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin cũng là công cụ tiện lợi, hữu ích trong việc tăng tính hiệu quả, minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu.

Hiện EVN đang tiếp tục triển khai nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực và dự kiến đến 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi doanh nghiệp số.

Khách hàng là trung tâm cho mọi hoạt động

Chuyển đổi số trong ngành điện, lấy khách hàng làm trung tâm - Ảnh 1.

Nhiều năm qua ngành Điện đã có nhiều đổi mới trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng với việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước số hóa các dịch vụ, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ với phương châm "Lấy khách hàng làm trung tâm mọi hoạt động". Chất lượng cung cấp điện đến khách hàng được cải thiện mạnh mẽ trong việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, rút ngắn thời gian mất điện của khách hàng.

EVN cũng là là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm hóa đơn điện tử vào năm 2012 và cũng là Tập đoàn đầu tiên triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc vào năm 2015. Sau đó, vào năm 2016, EVN đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi hình thức thu tiền điện tại nhà sang thu tiền qua điểm thu tập trung, các tổ chức trung gian thanh toán, ví điện tử và qua ngân hàng...

Đến hết tháng 11 năm 2020, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 70,25%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đạt 91,54%. Đến cuối năm 2018, EVN đã chính thức công bố cung cấp các "Dịch vụ điện trực tuyến" cấp độ 4, đây là cấp độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ, tăng tính công khai minh bạch và tạo mọi thuận lợi cho khách hàng.

Cũng trong năm 2018, EVN hoàn thành việc kết nối cung cấp dịch vụ điện tại Trung tâm Hành chính công và các Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến tại 63/63 tỉnh/thành phố.

Theo kết quả đánh giá của Nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (nằm trong nhóm ASEAN-4), đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia/ nền kinh tế (tăng 129 bậc trong 6 năm).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước