Chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch với Trung Quốc

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 25/08/2021 14:24 GMT+7

VTV.vn - Để thuận lợi, các doanh nghiệp nên thực hiện các gói hợp đồng thương mại, xuất khẩu theo loại hình chính ngạch khi phía Trung Quốc đưa ra nhiều yêu cầu ngày càng khắt khe.

Đề nghị hỗ trợ khơi thông xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 6,1 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn và lâu năm về xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, sau thông báo hồi tháng 7 về việc tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới do lo ngại dịch COVID-19 của phía Trung Quốc, theo Bộ Công Thương, đến trung tuần tháng 8, thanh long nói riêng và nhiều loại trái cây, nông sản khác của Việt Nam nói chung hầu như vẫn khó xuất qua các cửa khẩu biên giới tỉnh Vân Nam.

Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu rau củ, nông sản từ Vân Nam qua các địa phương biên giới Việt Nam vẫn đang thuận lợi, trung bình có khoảng 400 xe mỗi ngày.

Chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch với Trung Quốc - Ảnh 1.

Hoạt động vận chuyển hoa quả tươi tại bãi của một công ty xuất nhập khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Trước tình hình này, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, đề nghị hỗ trợ khơi thông xuất khẩu nông sản giữa hai nước.

Hiểu và chia sẻ về ưu tiên đảm bảo phòng, chống dịch bệnh trong lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng chỉ cần các cơ quan chức năng cửa khẩu và doanh nghiệp hai bên tiếp tục tuân thủ nghiêm quy trình thông quan hàng hóa đã được khẳng định hiệu quả, công tác phòng chống dịch sẽ vẫn được đảm bảo tuyệt đối như hơn 1 năm qua.

Tăng cường hoạt động thông thương tại cửa khẩu

Phản ánh từ các cửa khẩu tại Lạng Sơn, hiện nay phía Trung Quốc đã kiểm hóa 100% lô hàng trái cây Việt Nam nên thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với mặt hàng trái cây của các nước khác. Ví dụ như trái cây của Thái Lan chỉ kiểm hóa 30%.

Tuy nhiên trên tinh thần đảm bảo an toàn dịch bệnh là ưu tiên số 1, một loạt các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động giao thương hàng hóa trên cơ sở phòng, chống tốt dịch bệnh đã được tỉnh Lạng Sơn triển khai. Mục tiêu là tiếp tục giữ vững là địa bàn thông quan an toàn, tạo thuận lợi cho nông sản của cả nước xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các phương thức vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu truyền thống khác bị đình trệ, lưu lượng hàng hóa qua đường bộ dồn lên các cửa khẩu tại Lạng Sơn lại càng lớn, với trung bình gần 1.000 xe container mỗi ngày. Trong khi lượng xe có thể thông quan trong ngày đã giảm đáng kể, bởi việc siết chặt kiểm soát phòng chống dịch của cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc.

Các bãi chờ tạm thời, khu cách ly tập trung cho lái xe đường dài, các điểm chốt chống dịch được tỉnh Lạng Sơn thiết lập, bởi xe chở hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản trong nước và hàng quá cảnh của các nước ASEAN nên chỉ một chút chủ quan có thể dịch bệnh sẽ lây lan ra cộng đồng, cửa khẩu phải dừng thông quan, hệ lụy sẽ khôn lường.

"Chúng tôi tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở khu vực bến bãi cửa khẩu để đảm bảo phía Trung Quốc không vì dịch bệnh phát sinh mà làm gián đoạn thông quan hàng hóa. Chúng tôi cũng tăng cường trao đổi hội đàm với phía Trung Quốc để giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa", Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết.

Từ đầu năm đến nay, 1,5 triệu tấn nông sản trong nước đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên để thuận lợi, các doanh nghiệp cũng nên thực hiện các gói hợp đồng thương mại, xuất khẩu hoa quả theo loại hình chính ngạch khi phía Trung Quốc ngày càng khắt khe hơn trong quy định về an toàn phòng dịch, về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Nông, lâm, thủy sản phải đáp ứng yêu cầu về quy chế, nhãn mác, chất lượng sản phẩm. Nhãn mác phải thiết lập tiêu chí về tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và cả tiếng Việt", Phó Cục trưởng Cục Hải Quan tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Hữu Vượng cho hay.

Lạng Sơn đặt mục tiêu phòng, chống dịch bệnh lên trên hết, trước hết để thành điểm trung chuyển an toàn và thuận lợi cho nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc thắt chặt yêu cầu về nhập khẩu nông sản

Chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch với Trung Quốc - Ảnh 2.

Cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: NLĐ)

Riêng với cửa khẩu phụ Tân Thanh, để giảm bớt tình trạng ùn tắc, tồn đọng phương tiện, Bộ Công Thương cũng đề nghị phân loại phương tiện ngay tại các bãi tập trung; chỉ cho lên cửa khẩu những xe đã có khách tiêu thụ rõ ràng để không tồn đọng quá lâu bên phía Trung Quốc; yêu cầu lái xe chuyên trách tuyệt đối không nhận ủy quyền "trông nom" và "bán hộ hàng" bên kia biên giới.

Còn đối với bà con cũng như doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, việc chủ động cập nhật kịp thời những thay đổi, yêu cầu từ các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ là cách để tránh thiệt hại khi có ý định xuất khẩu sang thị trường này.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, hàng hoa quả nông sản từ Việt Nam, bắt buộc phải thuộc các vườn trái cây hoặc xưởng đóng gói đã được các cơ quan Việt Nam đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc xác nhận và bắt buộc phải làm thủ tục thẩm định kiểm dịch. Khi khai báo phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của các cơ quan Việt Nam. Về việc này, tuy đã được khuyến cáo, tuyên tuyền nhiều nhưng trên thực tế, còn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa quan tâm đúng mức.

Trước tình hình đó, để tạo thuận lợi cho công tác thông quan, tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tiếp tục khuyến nghị doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch.

Thực tiễn cho thấy, hàng hóa xuất khẩu chính ngạch có khả năng thông quan thuận lợi hơn rất nhiều so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các cặp chợ đường biên.

Ngăn chặn hàng xuất khẩu đội lốt “Made in Việt Nam” Ngăn chặn hàng xuất khẩu đội lốt “Made in Việt Nam”

VTV.vn - Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đang cập nhật liên tục và định kỳ danh sách các mặt hàng của Việt Nam có nguy cơ bị "đội lốt" Made in Việt Nam để xuất khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước