HĐND TP Hồ Chí Minh họp chuyên đề về các nội dung cơ chế đặc thù
Ngày 19/9, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kỳ họp chuyên đề, được đánh giá là rất quan trọng khi thông qua việc triển khai nhiều nội dung cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, trong đó nội dung có tác động lớn đến kinh tế thành phố là triển khai trở lại hình thức đầu tư đối tác công - tư là BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đối với 5 dự án giao thông mang tính cấp bách. Với tổng quy mô vốn lên đến 37.000 tỷ đồng. 5 dự án này sẽ được triển khai trong giai đoạn 2023 - 2030.
Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân dân Thành phố cũng đồng ý thông qua việc chi hơn 9.300 tỷ đồng làm 3,5 km đường Vành đai 2 với mục tiêu sớm khép kín tuyến đường có vai trò kết nối quan trọng này.
Huy động nguồn lực xã hội "mở bung" cửa ngõ TP Hồ Chí Minh
Chưa đầy 2 tháng sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, các nội dung cụ thể đã được triển khai thực tế, trong đó việc vận dụng cơ chế đặc thù để thúc đẩy dự án trọng điểm là nội dung nhận được nhiều quan tâm.
Tại TP Hồ Chí Minh tồn tại không ít các tuyến đường cửa ngõ, có vai trò kết nối quan trọng, nhưng lại nhỏ hẹp, "thắt cổ chai", nên thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Theo Sở Giao thông Vận tải, ùn tắc giao thông gây lãng phí mỗi năm khoảng 138.000 tỷ đồng, tức khoảng 6 tỷ USD tại thành phố Hồ Chí Minh. Nếu so với tổng sản phẩm GRDP của thành phố năm 2022, con số này tương ứng hơn 9%.
5 dự án giao thông theo hình thức BOT vừa được Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua mang tính cấp bách, có tác động lớn nên ưu tiên triển khai trước để không lỡ thời hạn 5 năm của Nghị quyết 98. Kỳ vọng mở rộng hàng loạt cửa ngõ cho "đầu tàu" kinh tế.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Chuẩn bị các dự án theo phương thức BOT, để "mở bung" các cửa ngõ của thành phố. Như vậy, chúng ta vừa kết nối Vành đai 2 - 3 - 4. Các tuyến cao tốc hướng tâm và mở ra các cửa ngõ thành phố. Tôi nghĩ đây là nhiệm vụ rất ý nghĩa, quan trọng, để chúng ta phát huy cao nhất hiệu quả các tuyến giao thông như Thủ tướng đã chỉ đạo".
Các dự án BOT mới này huy động vốn từ doanh nghiệp với tỷ lệ 46-50%. Theo giới chuyên gia, để tránh các hiện tượng tiêu cực từng xảy ra trước đây, trong quá trình triển khai cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Chính quyền thành phố cũng xác định thách thức lớn nhất là khi thực thi cơ chế mới, phải xây dựng các quy trình, quy định một cách chặt chẽ, kĩ lưỡng.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, nói: "Với khối lượng công việc rất lớn đòi hỏi chúng ta phải bắt tay ngay để xây dựng. Ví dụ xây dựng Nghị định của Chính phủ để ban hành quy định về lãi suất của những dự án BT trả bằng tiền hay những quy chế để khai thác, đầu tư BOT trên đường hiện hữu phải làm sao tạo được đồng thuận cho người dân".
Ảnh minh họa - Báo Nhân dân
Giới chuyên gia lưu ý, để đảm bảo hiệu quả, chính quyền cần tính toán làm sao quy trình, thủ tục làm dự án không kéo dài, dẫn đến làm nản lòng nhà đầu tư. Bên cạnh đó bài toán tài chính cho nhà đầu tư phải đảm bảo khả thi, thời gian thu hồi vốn không quá lâu, như vậy mới huy động được đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông.
10.000 hecta làm TOD – Tận dụng nguồn lực quỹ đất đóng góp cho tăng trưởng
Một cơ chế chưa từng có tiền lệ cũng sẽ được TP Hồ Chí Minh triển khai để thúc đẩy các dự án trọng điểm. Đó là cơ chế TOD - phát triển đô thị dựa trên định hướng giao thông. Hiểu nôm na là cho phép làm kinh tế dựa trên các tuyến giao thông huyết mạch. Hiện nay chính quyền TP Hồ Chí Minh đã xác định một số vị trí ga, trạm dừng sẽ cần phải điều chỉnh, nghĩa là tuyến metro thì đã cố định nhưng một số ga, trạm dừng được đầu tư sắp tới đây sẽ được sắp xếp lại, làm sao khai thác kinh tế hiệu quả nhất.
Dọc ven các tuyến đường sắt đô thị metro hay khu vực làm cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Đường Vành đai 3, 4... là những nơi được chính quyền thành phố Hồ Chí Minh tính toán để thực hiện TOD - cơ chế phát triển đô thị theo định hướng giao thông. Cụ thể là quy hoạch đô thi, dân cư, kết hợp với đấu giá các quỹ đất dọc ven những tuyến giao thông này để có nguồn thu đóng góp ngược lại cho phát triển cơ sở hạ tầng. Bước đầu đã xác định khoảng 10.000 hecta phù hợp để triển khai.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết: "TOD là giải pháp, phương án quy hoạch cũng khá tiên tiến, khai thác được thế mạnh về đô thị, vùng dân cư... Giao thông đi đến đâu thì dân cư, phát triển đô thị đi đến đó. Chúng ta sẽ có những đô thị phát triển theo hướng chúng ta đã đầu tư như Vành đai 3, tuyến metro".
Theo giới chuyên gia, việc lấy hạ tầng, giao thông làm cơ sở để quy hoạch dân cư sẽ tạo ra một mô hình phát triển đô thị bền vững hơn, tránh tình trạng dân cư có trước, hạ tầng mới theo sau gây nên quá tải đô thị như trước đây.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, nói: "Có rất nhiều không gian để có thể phát triển TOD. Đây cũng là lõi trung tâm của các đô thị tương lai. Chúng tôi thấy đây là tiềm năng rất lớn để vừa khai thác phát triển quỹ đất, vừa cấu trúc lại mô hình đô thị đa trung tâm của Thành phố".
Các chuyên gia đề xuất, nhà nước có thể bỏ nguồn lực ra để giải phóng tạm thời các phần đất lân cận dự án, sau đó bán đấu giá cho các nhà khai thác. Tuy nhiên, do cơ chế TOD chưa từng có tiền lệ trước đây, đòi hỏi sự nỗ lực, chủ động trong thực thi.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh nói: "Nôm na là các nhà quy hoạch đang muốn vẽ một bức tranh rất đẹp nhưng thực tế không phải tờ giấy trắng mà muốn vẽ gì cũng được mà Thành phố là bức tranh dang dở, thậm chí có những chỗ không đẹp. Vậy trên nền đó chúng ta phải vừa phát triển vừa chỉnh trang đô thị như thế nào để mang tính khả thi. Đó là thách thức lớn nhất.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định: "Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi tiên phong trong việc thực hiện thì chắc chắn sẽ có những "vùng xám", những điều chưa rõ ràng. Như vậy, phải có cơ chế để thúc đẩy chính quyền hành động, dám dấn thân vào những "vùng xám" như vậy để có thể thực hiện tốt, đáp ứng được kỳ vọng".
Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh ước tính, các cơ chế như TOD sẽ góp phần giúp thành phố huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ xã hội,
Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sáng 19/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ví von việc triển khai nghị quyết 98 như khởi hành một chuyến tàu. Thời gian qua chỉ mới khởi động nhưng từ thời điểm này yêu cầu phải tăng tốc. Nhờ các cơ chế đặc thù mà con tàu kinh tế thành phố sẽ có tổ lái mới, hộp số mới, động cơ mới.
Đường ray thì thông thoáng hơn trước, qua đó tái khẳng định việc triển khai hiệu quả các cơ chế đặc thù sẽ đóng góp quan trọng cho giai đoạn tăng trưởng kinh tế tiếp theo của thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!