Mặc dù luôn dẫn đầu GRDP của vùng, chiếm khoảng 33% GDP cả nước và tổng thu ngân sách của vùng chiếm khoảng 36% tổng thu ngân sách của quốc gia, nhưng thời gian gần đây, tốc độ phát triển của vùng Đông Nam Bộ đã có dấu hiệu chậm lại. Vai trò dẫn dắt tăng trưởng của vùng đang suy giảm so với chính mình và so với các vùng khác. Đã đến lúc khu vực này cần có cơ chế mới tạo điều kiện cho vùng đóng vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của đất nước.
Kinh tế vùng Đông Nam Bộ sở dĩ lâu nay vẫn chưa bứt phá được hết như kỳ vọng, một phần là do các quy định về liên kết vùng đối với các địa phương chưa có chế tài có tính ràng buộc nên vẫn mạnh ai nấy làm. Một phần là do giao thông kết nối vùng còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ quy hoạch và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất về kết hợp vận tải đa phương thức.
"Cả vùng này tăng trưởng chậm trong kỳ vừa qua so với Hà Nội, tốc độ tăng trưởng giảm xuống là vì giao thông", PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh.
"Hoàn toàn cần một cơ chế đặc biệt và sự phối hợp giữa các tỉnh. Tính đến lợi ích chung của cả vùng hơn là lợi ích của địa phương thì mới có thể phát triển được, phát huy được lợi thế của vùng Đông Nam Bộ ", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp cho biết.
Kinh tế vùng Đông Nam Bộ lâu nay vẫn chưa bứt phá được hết như kỳ vọng. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Dù mới đây các dự án Vành đai 3, sau hơn 10 năm phê duyệt đã chính thức được khởi động, nhưng để hiện thực hóa tháo gỡ các điểm nghẽn về giao thông trong vùng, các chuyên gia cho rằng trước hết cần có cơ chế, đặc biệt là về nguồn vốn để thúc đẩy dự án đúng tiến độ.
Không chỉ dự án này, để phát huy được những tiềm năng chỉ có riêng ở vùng Đông Nam Bộ như lợi thế về logistics, cảng biển, nhân lực chất lượng cao..., rất cần có những cơ chế riêng biệt như: cơ chế phân cấp cho các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ quyết định chủ trương và quyết định đầu tư đối với các dự án đã có trong quy hoạch được Chính phủ phê duyệt.
"Chính phủ phát hành trái phiếu để địa phương vay lại hoặc tạo cơ chế thuận lợi nhất để các địa phương phát hành trái phiếu địa phương theo Luật Ngân sách. Tôi cho rằng phương án nào cũng có thể thực thi được nếu như chúng ta đặt quyết tâm và tháo gỡ; và tin rằng khi thông qua, Quốc hội cũng cho một số cơ chế cụ thể thuận lợi nhất để có thể triển khai", TS. Trần Du Lịch, nguyên Đại biểu Quốc hội, nêu quan điểm.
Ở khía cạnh khác, mặc dù được đánh giá là vùng có chất lượng cao hơn cả nước ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực, tuy nhiên để giúp 6 tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ có thể cất cánh mạnh mẽ, sự cởi trói cơ chế về thẩm quyền huy động và sử dụng nguồn lực nhằm thực hiện các chương trình, dự án của vùng cũng được các địa phương đặt ra.
Ngày mai (23/10), tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Quán triệt triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với nghị quyết này, nhiều chủ trương và giải pháp đột phá sẽ tạo ra một không gian phát triển mới cho vùng kinh tế trọng điểm này.
Tạo động lực phát triển vùng Đông Nam Bộ VTV.vn - Hội nghị đề ra mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!