Nhiều khu đô thị cũ tăng giá bất thường?
Theo một số sàn giao dịch BĐS tại huyện Hoài Đức, cơn sốt giá bất động sản vừa diễn ra tại khu đô thị Kim Chung – Di Trạch. Trong tháng 7 vừa rồi, các lô đất mặt đường đột nhiên tăng giá mạnh từ 30 - 40%, đẩy giá lên tới hơn 50 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, mức giá này cao gấp 3 - 4 lần so với giá gốc, được ghi trong hợp đồng góp vốn. Theo nhân viên môi giới bất động sản, giá đất còn tăng từng ngày, mua ngày nào biết giá ngày đó. Mặc dù hiện trạng chỉ hoàn thành có 7 - 8 dãy nhà liền kề, biệt thự được xây thô, đa số diện tích đất vẫn đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
Nhân viên môi giới ở đây lý giải, sở dĩ giá tăng do quyết định của UBND TP.Hà Nội vào cuối tháng 10/2019, phê duyệt đề án đầu tư xây dựng bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Đan Phượng thành quận đến năm 2025. Ngoài ra, tuyến đường vành đai 3,5 đoạn qua Hoài Đức nối Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 32 đang triển khai cũng được giới đầu cơ dựa vào để đẩy giá đất lên cao.
Một số dự án tại Hoài Đức có dấu hiệu thổi giá đất.
Tuyến đường 3,5 đoạn qua Hoài Đức có chiều dài hơn 4,9 km, mặt cắt ngang 60m. Đây là trục đô thị cấp đặc biệt với 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp, tổng mức đầu tư gần 1.400 tỉ đồng từ ngân sách thành phố. Vành đai 3,5 khi hoàn thiện sẽ giúp kết nối các khu đô thị mới trên địa bàn.
Ông Nguyễn Duy Toàn, công ty môi giới BĐS Vinh Toàn khẳng định có hiện tượng thổi giá đất tại khu đô thị Kim Chung - Di Trạch trong thời gian qua. Một nhóm các nhà đầu cơ chuyên nghiệp đến mua bán với nhau, tạo cảnh giao dịch tấp nập, thổi giá. Sau đó, họ rút khỏi dự án, để những người mua sau phải ôm "trái đắng", không bán được hàng. Sau khi gây sốt trong tháng 7, 1 tuần trở lại đây, giá đất tại khu đô thị này đã rớt giá, không có người hỏi mua. Ông Toàn cũng tiết lộ, một số nhà đầu tư đã bỏ cọc tại dự án này, vì giá "nhảy múa" đáng lo ngại.
Một số dự án khác tại Hoài Đức cũng tăng giá, khu đô thị Lideco tăng 3-5%, ở mức 35-38 triệu đồng/m2. Tại khu đô thị The Phonenix Đan Phượng, trước đây, giá đất nền chỉ 15-17 triệu/m², nhưng nay tăng lên 25-30 triệu đồng/m². Đất mặt tiền quốc lộ 32 cuối năm 2017 chào bán 50 - 60 triệu đồng/m², nay đang được chào giá 100-120 triệu đồng/m².
Chuyên gia cảnh báo: Người dân cần thận trọng với "sốt đất" ảo
Giữa năm 2008, tỉnh Hà Tây (cũ) sáp nhập về Hà Nội đã tạo ra một cơn sốt đất chưa từng có và lên đỉnh điểm cho đến tận cuối năm 2010. Giai đoạn này chứng kiến những cuộc giao dịch nhà, đất từ mức giá gốc 15-20 triệu đồng/m², chỉ trong một năm có nơi chạm ngưỡng 140 triệu đồng/m². Nhưng, chỉ sau vài năm, thị trường đóng băng khiến nhiều người "sống dở, chết dở" vì trót ôm đất ở những khu vực này.
Trước đây, tỉnh Hà Tây (cũ) khi sáp nhập, các giao dịch nhà đất tại đây cũng tăng chóng mặt.
"Nếu giá tăng 1 - 2% được coi là hợp lý, còn hiện tượng này là "làm giá", kích thích thông tin để trục lợi", ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay.
Bởi lẽ hạ tầng tại khu vực này vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Ngoài một số dự án giao thông đang triển khai, các tiện ích của khu đô thị như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… vẫn chưa có chuyển biến gì. Đất tiếp tục tăng giá nhưng các dự án vẫn trong tình trạng "vườn không nhà trống", các dãy biệt thự thô vẫn lạnh lẽo chôn vùi trong cỏ.
Vị chuyên gia này đưa ra cảnh báo: "Khách hàng cần cẩn trọng, tỉnh táo, đánh giá chuẩn xác giá trị đất khu vực này, tránh mắc cạn thay thế cho người mắc cạn trước".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!