Sản xuất "cám chay" cho heo
Chăn nuôi hiện nay được thống kê là gây hiệu ứng nhà kính rất lớn, chiếm 18 - 20% phát thải khí nhà kính, chủ yếu là do phân gia súc. Do vậy, để giảm dấu chân carbon, đã có doanh nghiệp chăn nuôi tiên phong áp dụng nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp đầu tiên là việc cải tiến thức ăn trong chăn nuôi.
Tại một nhà máy sản xuất cám chay, nguồn nguyên liệu để sản xuất ra cám 100% đều từ thực vật như ngô, bột mì, đậu tương… mà không sử dụng nguyên liệu có chứa thành phần động vật như bột xương, bột cá. 65% nhà cung cấp nguyên liệu cho nhà máy này có chứng chỉ nguồn gốc bền vững, cam kết không sản xuất từ đất phá rừng.
Công thức cám ăn chay còn được nghiên cứu, bổ sung thêm các vitamin, lợi khuẩn và các vị dược liệu để thay thế kháng sinh cũng như các chất kích thích bảo quản độc hại. Nhờ vậy, đã giúp tăng chỉ số sử dụng thức ăn, cải thiện tỷ lệ tiêu hóa thức ăn, một công đoạn đang chiếm khoảng 11% tổng lượng phát thải khí nhà kính ở tại các trại heo.
Hiện nay, các nhà máy sản xuất cám chay của doanh nghiệp này có công suất tới trên 400.000 tấn/năm, có thể cung cấp cho hàng trăm nghìn con heo ăn chay.
Hệ thống xử lý chất thải theo phương thức tuần hoàn
Hiện tại, ngành chăn nuôi chưa nằm trong danh sách phải kiểm kê carbon nhưng về lâu dài, các doanh nghiệp chăn nuôi muốn phát triển thì phải làm theo tiêu chuẩn của quốc tế. Bởi muốn làm lớn thì phải theo bước theo tiêu chuẩn lớn. Và người mạnh dạn đi đầu thì luôn có nhiều cơ hội.
Một trang trại nuôi cả nghìn con heo nhưng lại rất sạch sẽ và đặc biệt là không hề có mùi hôi. Tại trang trại này, những chú heo luôn được sống trong một môi trường thoáng mát với nhiệt độ ổn định để phát triển, sinh trưởng một cách tốt nhất. Có được điều này là nhờ vào hệ thống xử lý chất thải theo phương thức tuần hoàn.
Phân heo sau khi thải ra thì được thu gom và tách ép trong một tháp ủ. Tháp ủ phân với ứng dụng công nghệ sinh học sẽ cho ra phân hữu cơ. Phân này sẽ được dùng để bón cho cánh đồng lúa chất lượng cao, theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Nhờ chủ động trong việc giảm dấu chân carbon, cuối năm 2022, doanh nghiệp này đã nhận được khoản đầu tư 39 triệu USD từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) với lãi suất vay chỉ bằng một nửa lãi suất của thị trường.
Tuy nhiên, để vay được vốn rẻ với số lượng lớn thì doanh nghiệp cũng phải đáp ứng hàng nghìn tiêu chí khắt khe mà IFC đưa ra. Nhưng doanh nghiệp này vẫn quyết định bước đi "làm lớn" theo "tiêu chuẩn lớn". Đi trước, dẫn đầu không chỉ có nhiều cơ hội phát triển mà còn giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực giảm dấu chân carbon
Không chỉ trong lĩnh vực chăn nuôi, mà trong lĩnh vực bất động sản, những doanh nghiệp mở đường tiên phong trong việc xóa dấu chân carbon cũng đón nhận dòng vốn xanh dồi dào hơn cả.
Theo ông Lê Minh Dũng - Phó chủ tịch Công ty cổ phần bất động sản BIM, trong phát triển bất động sản xanh, tôn vinh thiên nhiên là điều quan trọng nhất. Mỗi gốc cây đều được doanh nghiệp nỗ lực tối đa để di dời bảo tồn, đảm bảo cây phát triển xanh tốt để làm sao mật độ xây dựng ít nhất so với mật độ cây xanh.
Cây xanh là điều kiện cần nhưng không đủ. Nhiều cây xanh, hoa cỏ thì ai cũng nói được. Nhưng "xanh" là phải được công nhận, có xác nhận của cộng đồng và theo tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ như theo tính toán của chứng nhận công trình xanh EDGE, dự án này giúp giảm 4.000 tấn CO2/năm tương đương gần 900 ô tô chạy xăng.
"Xanh còn là có ý nghĩa là sự lan tỏa. Toàn bộ gốc cây, ngọn hoa, cỏ đều do bàn tay người dân tộc Sán Dìu chăm sóc. Chúng tôi cũng nỗ lực bảo tồn cộng đồng nơi đây cả về văn hóa và kinh tế. Xanh và bền vững là hai từ khóa chúng tôi đã luôn theo đuổi, đóng góp vào mục tiêu Net Zero 2050 của Việt Nam" - ông Lê Minh Dũng chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!