Cơ hội để nông sản Việt tiến quân vào thị trường Halal

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 22/10/2024 21:15 GMT+7

VTV.vn - Dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025, theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu năm 2022.

Thị trường Halal và cơ hội cho nông sản Việt Nam

Trên thế giới hiện có khoảng hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi. Thị trường thực phẩm Halal - có nghĩa là "hợp pháp" theo ngôn ngữ Hồi giáo có những đòi hỏi riêng và rất khắt khe.

Chiều nay, hội nghị về ngành Halal với quy mô lớn được tổ chức tại Hà Nội, có ý nghĩa quan trọng trong định hướng cho việc phát triển ngành Halal của Việt Nam.

Dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025, theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu năm 2022.

Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm Halal ngày một gia tăng cho thấy sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào thị trường này. Đáng lưu ý là so với các thị trường xuất khẩu khác như Mỹ hay châu Âu, chi phí logistics vào thị trường Hồi giáo thường thấp hơn nhiều. Vì thế cũng góp phần làm tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với khả năng xuất khẩu trên 50 tỷ USD nông sản mỗi năm cùng với việc đã xây dựng được các chuỗi cung ứng, đây sẽ cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến quân vào thị trường Halal nếu như có sự đầu tư bài bản, hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp.

Yêu cầu đặc biệt của thị trường Halal

Mặc dù là thị trường lớn, rất tiềm năng, lại có thuận lợi về vị trí địa lý, song hàng hóa của Việt Nam nói chung, hàng nông thủy sản nói riêng sang thị trường Halal đang mới chỉ ở bước khai phá. Bởi thị trường này có những tiêu chuẩn rất đặc thù.

Đối với thực phẩm, tiêu chuẩn Halal yêu cầu quá trình chuẩn bị thực phẩm Halal phải tuân theo các quy tắc Hồi giáo và tính toàn vẹn, an toàn và vệ sinh của sản phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng chứ không đơn thuần chỉ là nguyên liệu đầu vào.

Đặc biệt, không có tiêu chuẩn Halal thống nhất trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi dường như tuân theo các tiêu chuẩn Halal của họ và không nhất thiết phải tương thích với tiêu chuẩn của các quốc gia khác. Đây là một trong những thách thức cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Cơ hội để nông sản Việt tiến quân vào thị trường Halal - Ảnh 1.

Nhiều cơ sở chăn nuôi, giết mổ của Việt Nam đã đáp ứng được những tiêu chuẩn Halal

Khác biệt chuỗi chăn nuôi theo tiêu chuẩn Halal

Với riêng các thực phẩm có nguồn gốc động vật muốn được vào thị trường Halal còn phải tuân thủ hàng trăm tiêu chí: từ quy định cụ thể về từng loài động vật nào được chấp nhận và không được chấp nhận, đến yêu cầu người giết mổ và giám sát, quy trình giết mổ đối xử nhân đạo với gia súc, giảm đau đớn cho động vật. Hiện nay, nhiều cơ sở chăn nuôi, giết mổ của Việt Nam đã đáp ứng được những tiêu chuẩn đặc thù này.

Ông Lê Dương Hạnh - Chủ tịch Công ty Chăn nuôi Công nghệ cao Ngọc Bích chia sẻ: "Trước kia, có khi công nhân vào, họ giận một cái là đá con gà, coi như con vật vô tri vô giác, còn bây giờ thì khác, họ luôn trân trọng con gà, tạo sự thân thiện giữa người với vật nuôi. Công nhân bắt con gà ôm hai tay, sau đó họ thả vào lồng một cách nhẹ nhàng, luôn tạo cảm giác thoải mái từ khi xuất gà cho đến khi về nhà máy.

Nếu một ai đó quay phim hay chụp hình, một hình ảnh con người đó đá con gà hoặc ném, quăng quật con gà, là họ sẽ không chấp nhận, nên ở đây công nhân được đào tạo rất kỹ về những vấn đề này và họ luôn luôn ý thức trong đầu Halal phải là những điều nhân đạo".

Một khác biệt rõ rệt của những con gà nuôi theo tiêu chuẩn Halal là những yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn thức ăn như tuyệt đối không pha trộn các thành phần từ thịt lợn, thịt chó, có máu hay các động vật bị cấm giết theo quan niệm của Hồi giáo như kiến, ong và chim gõ kiến.

Tiêu chuẩn Halal cũng được quy định rất nghiêm ngặt trong khâu giết mổ. Nhìn qua, đây giống như một dây chuyền giết mổ bình thường. Nhưng khi sản phẩm dán nhãn Halal, không phải ai cũng được đứng ở vị trí giết mổ, mà bắt buộc phải là những người theo đạo Hồi, họ cũng sẽ phải đọc to tên Đấng tối cao trong suốt quá trình giết mổ. Đây là điều cơ sở giết mổ phải cực kỳ chú trọng.

Anh Bùi Xuân Thành - Phó Giám đốc Công ty Thanh Bảo Hân, Tây Ninh chia sẻ: "Trong quá trình giết mổ, vận hành không có những chất cấm Haram của đạo Hồi, dụng cụ hay cái gì liên quan đến chất cấm của họ mình sẽ không dùng tới là họ công nhận, nên nói về khó thì khó thời gian ban đầu, nhưng khi mình đã chuẩn bị, vận hành thì rất dễ".

Khâu đóng gói những sản phẩm Halal cũng có những yêu cầu cụ thể phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Hồi giáo.

Ông Trần Văn Tân Cương - Giám đốc Công ty Halal Quốc gia Việt Nam nhận định: "Người Hồi giáo chỉ ăn hoặc uống những sản phẩm Halal cho phép, đặc biệt những sản phẩm có dấu chứng nhận Halal, khi vào siêu thị để lựa chọn sản phẩm, trước tiên họ sẽ xác nhận hoặc xem xét những sản phẩm có logo Halal".

Có thể thấy sự sẵn sàng từ các cơ sở chăn nuôi và các nhà máy giết mổ chế biến sản phẩm Halal. Giờ chỉ còn chờ quá trình đàm phán với các thị trường Hồi giáo. Hiện Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã liên hệ đàm phán với hai thị trường Hồi giáo là Nigeria và Saudi Arabia và đang trong quá trình khơi thông xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang nhiều thị trường Hồi giáo khác.

Cơ hội để nông sản Việt tiến quân vào thị trường Halal - Ảnh 2.

Khâu đóng gói những sản phẩm Halal cũng có những yêu cầu cụ thể phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Hồi giáo

Tháo gỡ khó khăn vào thị trường Halal

Hiện hàng hóa Việt Nam vẫn chưa thể định vị thương hiệu của mình trên thị trường tiềm năng này bởi mới chỉ có 20 sản phẩm Halal xuất khẩu, chiếm tỉ trọng chưa đến 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước Hồi giáo.

Vậy đâu là những khó khăn cản trở việc hàng hóa Halal Việt thâm nhập vào thị trường Hồi giáo toàn cầu. Và giải pháp gì để mở rộng thị phần này, không bỏ lỡ cơ hội lớn từ thị trường "tỷ đô".

Bà Trần Thị Ngọc Bích - Tổng Giám đốc Công ty Pushmax nêu ý kiến: "Từ năm 2022, chúng tôi đã bắt tay vào xin cấp chứng chỉ Halal, tuy nhiên có một khó khăn là sau khi được cấp thì việc làm thế nào để kết nối được với doanh nghiệp Halal, đặc biệt gặp trực tiếp được những doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu nhập sản phẩm Halal".

Ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia nhận định: "Một trong những trở ngại là rào cản phi thuế quan của Indonesia - đó là chứng nhận Halal, thủ tục và thời gian cấp thường bị kéo dài. Indonesia chưa gia hạn ủy quyền cấp chứng nhận Halal theo Luật Halal năm 2024 của nước này cho đơn vị cấp chứng nhận tại Việt Nam".

Ông Trương Xuân Trung - Phụ trách thương vụ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cho biết: "Các đối cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Indonesia, Ấn Độ được hưởng chính sách ưu đãi thuế quan vì các nước này đã ký Hiệp định đối tác toàn diện với UAE. Chi phí về khâu sản xuất và chi phí khâu trung gian của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng tương đối lớn so với doanh nghiệp nước ngoài".

PGS.TS Đinh Công Hoàng - Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ: "Chúng ta đã có những hiệp định khu vực của ASEAN, ví dụ như ATIGA, RCEP. Chúng ta có thể phối hợp với nhau trong một chuỗi cung ứng toàn cầu như vậy thì mỗi quốc gia sẽ thực hiện một khâu, chúng ta có nguồn nguyên liệu dồi dào, họ có được sự chế biến sâu, chúng ta có thể xuất khẩu sang họ, rồi từ họ cũng có thể xuất khẩu đi khắp thế giới".

Ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhận định: "Có một số doanh nghiệp đã hướng đến thị trường Halal và Cục Thú y đã kết nối với các cơ quan chuyên môn bên phía nước đạo Hồi để đề nghị cung cấp những tiêu chuẩn, những hướng dẫn cụ thể xây dựng các vùng cơ sở an toàn dịch bệnh".

Phát triển và mở rộng xuất khẩu sản phẩm Việt Nam vào thị trường Halal đem lại nhiều cơ hội đan xen những thách thức, đồng thời bổ sung hiệu quả vào trụ cột xuất khẩu kinh tế của đất nước theo Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" của Chính phủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước