Từ năm 2008 đến nay, nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội với chiến lược M&A phù hợp, trở thành những tập đoàn mạnh như Vinamilk, Kinh Đô, Viettel… Điểm đặc biệt của đa số các thương vụ sáp nhập đó là quá trình sáp nhập, mua cổ phần chiến lược, nhằm tạo chỗ đứng cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đang dẫn đầu ASEAN về số thương vụ M&A với Nhật Bản với tổng số 69 giao dịch kể từ năm 2010 đến nay.
Các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp được coi là công cụ trọng yếu của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Làn sóng mua bán và sáp nhập lần thứ hai này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, khung pháp lý hoàn thiện hơn, khi hàng loạt luật quan trọng liên quan đến đầu tư kinh doanh được sửa đổi bổ sung như luật đầu tư, luật doanh nghiệp, luật kinh doanh bất động sản…
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để đón đầu làn sóng M&A lần thứ hai, bên cạnh điều kiện cần là việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thì các yếu tố như tính minh bạch thông tin trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp, tăng cường nâng cấp hơn việc quản trị doanh nghiệp cũng là điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm.
Hiện có khoảng 432 doanh nghiệp 100% vốn chủ sở hữu Nhà nước lên kế hoạch cổ phần hóa một phần như Vietnamairlines, Vinatex, Mobifone… Và hơn 4.000 doanh nghiệp đang thực hiện giai đoạn cổ phần hóa thứ hai là thoái vốn hoàn toàn như Vinamilk, FPT… Mục tiêu mà Chính Phủ đặt ra là tất cả các doanh nghiệp này sẽ hoàn thành cổ phần hóa vào quý I/2015. Đây được xem sẽ là cú hích thúc đẩy một làn sóng M&A mới vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Phạm Huyền