Nhiều rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu sang Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam những tháng đầu năm nay, đạt 1,27 tỷ USD (chiếm hơn 20% thị phần). Sau khi phía Trung Quốc điều chỉnh các quy định về phòng chống dịch COVD từ đầu tháng 1, xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc đã tăng mạnh.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện triển khai nhiều chính sách mới để đưa hoạt động nhập khẩu vào nề nếp, nhất là nâng cao các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này đặt ra những thách thức đối với các doanh nghiệp, cũng như nông dân Việt Nam, trong việc xuất khẩu nông sản vào thị trường lớn nhất thế giới này.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam những tháng đầu năm nay.
Công ty CP Xuất nhập khẩu Toàn Cầu đã có 5 năm buôn bán với Trung Quốc. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là trái cây chế biến như puree, hoa quả sấy khô, nước ép đóng lon. Dù đã có nhiều kinh nghiệm giao thương nhưng việc Trung Quốc liên tục sửa đổi luật an toàn thực phẩm đã khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
"Phía Trung Quốc thường đưa ra những thông báo thay đổi khá đột ngột khiến cho nhiều doanh nghiệp bị động trong khẩu chuẩn bị, đặc biệt với doanh nghiệp mới làm với Trung Quốc có yêu cầu cao về tiêu chuẩn và quy trình thường không kịp trở tay", ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Toàn Cầu cho biết.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong tháng 2 bắt đầu khởi sắc khi đạt 122 triệu USD, tăng tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng những rào cản hiện hữu là thủy sản tươi sống của Việt Nam chưa được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Nhiều doanh nghiệp đang gặp vướng mắc ngay từ khâu đăng ký trên hệ thống thương mại một cửa của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Hàng loạt hội nghị thúc đẩy giao thương hai nước đã được Bộ NN&PTNT tích cực triển khai ngay từ những tháng đầu năm. Mục tiêu là để kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước thông qua cửa khẩu ở các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh.
Cạnh tranh xuất khẩu vào Trung Quốc
Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người là thị trường rộng lớn với nhu cầu hàng hóa cao và đa dạng. Kể từ khi thị trường này mở cửa trở lại, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đều đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này cộng với sản xuất, nuôi trồng nội địa của Trung Quốc đang dần được khôi phục đã khiến hàng Việt cũng ngày càng phải đối mặt với cạnh tranh lớn khi xuất khẩu sang thị trường này.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc 2 tháng đầu năm nay đã tăng 25% so với cùng kì. Một phần là nhờ những mặt hàng có giá trị cao như sầu riêng, đã được xuất chính ngạch sang thị trường này. Giá sầu riêng cũng đang tốt.
Tuy nhiên, vừa qua là giai đoạn trái vụ, thiếu vắng sầu riêng của các nước khác trên thị trường Trung Quốc. Tới đây, khi vào vụ, không chỉ sầu riêng mà cả thanh long, xoài hay chuối Việt Nam sẽ phải cạnh trạnh với Thái Lan, Philippines, Ecuador hay chính hàng nội địa Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Trước đây chúng ta cạnh tranh với những người buôn bán tiểu ngạch biên giới. Thế nhưng bây giờ chúng ta cạnh tranh trực diện với những nhà nhâp khẩu chính ngạch, với những tập đoàn rất nhiều tiền. Ví dụ như bên Trung Quốc bây giờ đầu tư vào nông nghiệp không phải là nông dân, doanh nghiệp nhỏ nữa mà nó là những tập đoàn rất lớn".
Thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ còn áp lực hơn nữa.
Thủy hải sản Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với nhiều nước khác tại thị trường Trung Quốc. Trong đó tôm đang phải chịu sức ép lớn nhất trước 2 đối thủ lớn là Ecuador và Ấn Độ, vốn chiếm hơn 60% lượng nhập khẩu vào Trung Quốc.
Hiệp hội thuỷ sản dự báo, thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ còn áp lực hơn nữa. Bởi vì khi ấy hoạt động nuôi trồng nội địa của Trung Quốc sẽ thực sự phục hồi. Tuy nhiên chúng ta vẫn có cơ hội lớn, nếu chúng ta khai thác tốt hơn thế mạnh của mình là những mặt hàng thuỷ hải sản tươi sống phục riêng cho nhà hàng, khách sạn.
Bộ Công Thương đánh giá, để nâng cao sức cạnh trạnh, hàng Việt cần có những chiến lược để khẳng định thương hiệu tại thị trường xuất khẩu.
"Trong giai đoạn hiện nay, khi các doanh nghiệp của chúng ta chưa có doanh nghiệp lớn, việc tập trung xây dựng một thương hiệu chung là sản phẩm của Việt Nam hoặc nông sản sản xuất tại Việt Nam, sẽ giúp cho người tiêu dùng Trung Quốc có thể nhận diện được sản phẩm của ta", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết.
Để làm được điều này, sẽ cần tới nỗ lực chung của tất cả các thành phần trong chuỗi cung ứng từ người sản xuất tới người phân phối để trước hết là duy trì và đảm bảo được chất lượng sản phẩm.
Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 53 tỷ USD các mặt hàng nông lâm thủy sản, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm hơn 1/4. Tuy nhiên, nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu nông lâm thủy sản của Trung Quốc, Việt Nam mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%. Dư địa cho nông sản Việt còn rất lớn và nếu chúng ta gia tăng được thị phần trên thị trường rất lớn này cũng sẽ góp phần đảm bảo kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!