"Cò" môi giới nhà ở xã hội: Ăn chênh lệch tới hàng trăm triệu đồng

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 31/10/2024 09:34 GMT+7

VTV.vn - Công tác quản lý ở các địa phương đối với nhà ở xã hội đang tồn tại nhiều bất cập khiến cho một số đối tượng có thể trục lợi.

Theo báo cáo từ các địa phương, giai đoạn 2021 - 2025, cả nước có gần 500 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Mặc dù đã có sự vào cuộc từ Trung ương đến địa phương để phát triển nhà ở xã hội, nhằm tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có thể tiếp cận và an cư, tuy nhiên thực tế có nhiều vấn đề trong công tác quản lý ở các địa phương đối với nhà ở xã hội.

Chưa mở bán và cũng chưa biết chính xác khi nào, thủ tục ra sao để chuẩn bị - đó là thực tế khi người dân liên hệ qua tổng đài của chủ đầu tư để mua nhà ở xã hội tại Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ cách khu đất dự án vài chục mét, văn phòng môi giới bất động sản cho biết đã mua hàng trăm căn nhà ở xã hội của dự án.

"Thời điểm trước có người có nhà rồi vẫn mua được, xã phường xác nhận tù mù vào đấy vẫn được, bây giờ biểu mẫu thay đổi rồi, đương nhiên khách cũ phải lọc lại hồ sơ và lượng khách mới cũng phải làm hồ sơ. Tuy nhiên quỹ căn thì thời điểm ấy bọn em đã thu khoảng gần 300 căn…", một môi giới bất động sản ở Hà Nội nói.

Trên thực tế người dân thu nhập thấp không mua trực tiếp được nhà ở xã hội từ chủ đầu tư không phải ít, cách để họ mua được là thông qua môi giới bất động sản với một khoản tiền chênh lệch từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu so với giá gốc.

"Khi đấy vẫn là một toà nhà chưa có người ở mấy thì không biết tìm ai, gặp ai, đến đấy cũng không thể mua được nên là phải mua bằng cách này, mà mua bằng cách này thì chênh lên nhiều. Tôi mua thông qua môi giới bất động sản và giá so với niêm yết chênh lên đến 1 triệu đồng/m2", người mua nhà ở xã hội chia sẻ.

Người mua thì phải thông qua môi giới bất động sản, trong khi tại những dự án nhà ở xã hội có nơi đến gần 220 người nước ngoài sinh sống.

Cò môi giới nhà ở xã hội: Ăn chênh lệch tới hàng trăm triệu đồng - Ảnh 1.

Giai đoạn 2021 - 2025, cả nước có gần 500 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.

Nơi vốn dành cho công nhân, người thu nhập thấp thì lại có hàng trăm người nước ngoài thuê và sinh sống lâu dài - thực trạng này đặt ra vấn đề đối với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý việc sử dụng đúng mục đích nhà ở xã hội.

Thượng tá Nguyễn Tiến Trung - Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang cho biết: "Do khu nhà ở xã hội mới được đưa vào vận hành, do đó việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng với Công an về số lượng người được mua hay quản lý toà nhà của chủ đầu tư đến bây giờ vẫn chưa được hoàn thiện. Do đó, công tác quản lý tạm trú, tạm vằng kể cả với người Việt Nam và người nước ngoài còn gặp khó khăn".

Để có thể mua nhà ở xã hội sẽ phải trải qua nhiều bước thẩm định. Mặt khác quy định cũng cấm bán, cho thuê trước 5 năm nhưng lại không có biện pháp xử lý. Điều này dễ dẫn đến nhiều người bán sang tay suất mua nhà hoặc cho thuê lại để kiếm lời, trong khi người có nhu cầu ở thật lại không có cơ hội, tạo ra sự bất công trong chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước