Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng: "Nếu so sánh tỷ giá song phương giữa VND và USD thì VND đang bị đánh giá cao khoảng 23%. Từ thực tế này, Chính phủ nên chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá thêm ở mức khoảng 4% trong năm nay để hỗ trợ xuất khẩu."
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu thì nhận định: "Ngân hàng Nhà nước không nên phá giá đồng tiền mà nên cho phép tỷ giá biến động trong giới hạn 3% trong năm nay... Về điều chỉnh theo tôi càng sớm càng tốt không nên chờ đợi, trong quý I này có nhiều điểm thuận lợi cho việc điều chỉnh".
Con số thống kê cho thấy, nhập khẩu của Việt Nam năm 2012 là 114,3 tỷ USD, xuất khẩu là 114,6 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên sau 19 năm chúng ta xuất siêu, nhưng kể cả có xuất siêu như vậy thì giảm giá tiền đồng cũng sẽ không hỗ trợ nhiều. Nhìn sâu hơn vào bức tranh xuất khẩu, ví dụ như ngành dệt may, da giày, chúng ta phải nhập khẩu rất nhiều nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Như vậy, nếu tăng tỷ giá, chi phí sẽ tăng, lạm phát thực sẽ tăng lên và thực chất mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu cũng không tác động được nhiều.
Một trong những tác động của việc nâng tỷ giá đó là người dân sẽ chạy theo việc chuyển Việt Nam đồng sang găm giữ đồng USD, nếu động thái này xảy ra thì cũng sẽ ảnh hưởng tới lãi suất của Việt Nam đồng. Lựa chọn việc tăng tỷ giá hay giữ ổn định phải được thực hiện theo động thái thị trường. Ý kiến của các chuyên gia rất cần được Ngân hàng Nhà nước lắng nghe, nhưng quyết định theo hướng nào, Ngân hàng Nhà nước sẽ lựa chọn một cách thận trọng, bởi lẽ một động thái của Ngân hàng Nhà nước lúc này có thể tác động lớn tới nền kinh tế và từng người dân.