Chốt phiên giao dịch ngày 6/7, cổ phiếu của Didi Global giao dịch trên sàn chứng khoán New York đã mất trên 19% giá trị, giảm xuống dưới mức giá IPO hồi tuần trước và thổi bay 15 tỷ USD giá trị.
Cổ phiếu của Kanzhun và Full Truck Alliance - 2 công ty có ứng dụng bị giới chức Trung Quốc tiến hành điều tra như Didi Global, cũng chung cảnh ngộ.
Bên cạnh những cái tên kể trên, nhiều doanh nghiệp công nghệ tên tuổi khác của Trung Quốc niêm yết cổ phiếu tại Phố Wall như: Alibaba, Baidu hay JD.com cũng hứng chịu mức sụt giảm mạnh sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ tăng cường giám sát các công ty niêm yết tại nước ngoài.
"Tốc độ và mức nghiêm trọng của các biện pháp thắt chặt kiểm soát đã khiến mọi người ngạc nhiên và điều này đã được thể hiện thông qua những biến động trên thị trường. Thị trường nên tính tới điều này khi luật bảo mật dữ liệu của Trung Quốc được thông qua và sẽ có hiệu lực từ tháng 9, ảnh hưởng lớn tới định giá của các công ty công nghệ Trung Quốc", Giám đốc BDA Partners Alexander Ditchfield cho biết.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/7, cổ phiếu của Didi Global giao dịch trên sàn chứng khoán New York đã mất trên 19% giá trị. (Ảnh: Reuters)
Theo Bloomberg, bất chấp những rủi ro về việc bị giới chức Trung Quốc thắt chặt kiểm soát, các công ty như Didi Global vẫn đẩy mạnh kế hoạch IPO ở Mỹ để tận dụng nguồn vốn từ làn sóng nhà đầu tư nhỏ lẻ tại đây. Việc thiếu tìm hiểu thông tin hiện đang khiến không ít nhà đầu tư phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ lớn.
"Các nhà đầu tư Mỹ có nên lo lắng không? Tôi nghĩ câu trả lời là khá rõ ràng: Có. Vấn đề đặt ra là vì sao giới đầu tư không nghĩ đến điều này trước các thương vụ IPO? Bởi thực tế, các thương vụ đó được tiến hành trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường giám sát các hãng công nghệ và những yếu tố này đều đã được đề cập đến trong hồ sơ IPO. Đó chắc chắn là những rủi ro mà đáng lẽ các nhà đầu tư đã phải tính đến", Giám đốc BDA Partners Alexander Ditchfield nhận định.
Ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các động thái nhắm vào những công ty Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ cho thấy phần nào quan điểm của Bắc Kinh.
"Vụ việc của Didi Global cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang không hài lòng với làn sóng IPO tại Mỹ của các công ty công nghệ Trung Quốc và đang cố gắng kiềm chế sự đón nhận của các thương vụ IPO này tại phương Tây. Điều này có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của các công ty Trung Quốc tại nước ngoài", ông Hans Albrecht, Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư Horizons ETFs Management Canada cho hay.
Các động thái cứng rắn của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh các thương vụ IPO tại Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc đang gia tăng với tốc độ kỷ lục, thu về 15 tỷ USD kể từ đầu năm tới nay.
Hiện vẫn còn tới 34 doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) dự kiến sẽ ra mắt Phố Wall trong năm nay. Tuy nhiên, xu hướng này giờ đây sẽ phải đối mặt với không ít thách thức từ chính Trung Quốc.
Cơn bán tháo cổ phiếu công nghệ Trung Quốc chưa có hồi kết
Vốn hóa của các tập đoàn công nghệ lớn Trung Quốc đã bị thổi bay tổng cộng 823 tỷ USD sau khi đạt đỉnh hồi tháng 2. Sự việc này diễn ra sau khi Bắc Kinh mạnh tay siết chặt quy định đối với lĩnh vực trên, khiến nhà đầu tư lo ngại rằng tình trạng bán tháo vẫn chưa kết thúc, cảnh báo mới nhất từ Bloomberg.
Thống kê cho thấy đà giảm diễn ra đối với 10 công ty công nghệ, trong đó có 3 công ty niêm yết tại Mỹ.
Giới quan sát nhận định các nhà đầu tư dường như đang có cách tiếp cận "bán trước, trình bày sau" để hạn chế rủi ro từ chính sách đối với danh mục đầu tư vào cổ phiếu công nghệ, bởi theo họ, tình trạng bán tháo sẽ tiếp diễn trong quý III.
Giới chức Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra những quy định gắt gao hơn trong việc giám sát về vấn đề bảo mật dữ liệu và niêm yết ở nước ngoài đối với các công ty công nghệ lớn nhất của nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!