Cổ phiếu HOSE "ở nhờ" HNX và niềm tin của ông Trương Gia Bình

VTV Digital-Thứ tư, ngày 10/03/2021 22:36 GMT+7

VTV.vn - Thực chất của việc "chuyển nhà" từ HOSE sang HNX? Việc di chuyển này có phải là một đi không trở lại?

Doanh nghiệp tốt ở đâu cũng vậy?

Tắc đường trên sàn giao dịch TP Hồ Chí Minh (HOSE) là chuyện không ai muốn, Than thở, trách móc một chuyện đã rồi cũng không giúp giải quyết vấn đề. Vậy các giải pháp chuyển sàn giao dịch từ HOSE sang HNX, hay thậm chí thay đổi hệ thống giao dịch của HOSE đã và đang như thế nào?

Đến nay đã có 10 doanh nghiệp đồng ý chuyển sàn giao dịch từ HOSE sang HNX. Và ngay trong chiều nay (10/3), Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc với các công ty chứng khoán đang niêm yết tại HOSE, để tìm sự ủng hộ về giải pháp chuyển giao dịch cổ phiếu tạm thời sang sàn HNX. Trong khối công ty chứng khoán, VNDS và BSC là 2 cái tên đầu tiên, đưa ra ý định chuyển sàn.

Cổ phiếu HOSE ở nhờ HNX và niềm tin của ông Trương Gia Bình - Ảnh 1.

Đã có 2 công ty chứng khoán đồng ý "chuyển nhà" từ HOSE sang HNX

"Với một tinh thần mình là một công ty chứng khoán cung cấp các dịch vụ và kinh doanh trên thị trường, sẽ cùng chung tay với các cơ quan quản lý nhà nước cụ thể ở đây là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để tháo gỡ tạm thời những khó khăn vướng mắc của thị trường để giúp thị trường phát triển một cách lành mạnh hơn", ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Quyền Tổng Giám đốc, CTCP Chứng khoán VNDIRECT cho biết.

Trong khi đó ông Nguyễn Duy Viễn - Tổng Giám đốc, CTCP Chứng khoán BSC cho rằng: "Về mặt công nghệ thì theo tôi được hiểu rằng là việc chuyển sàn này đã có sự phối hợp chặt chẽ từ phía HOSE cũng như HNX cũng như VSD cũng như công ty mà tôi tin rằng là quá trình diễn ra không gặp bất cứ một vấn đề gì về mặt công nghệ cả. Nếu mọi việc thuận lợi thì chắc khoảng đầu đến giữa tháng tư là cái việc chuyển sàn diễn ra thuận lợi và thực hiện xong".

Có quan điểm rằng giao dịch trên sàn HOSE cũng để có phần uy tín hơn trong mắt cộng đồng đầu tư. Nhưng theo chia sẻ của PAN Group, Tập đoàn và 7 công ty thành viên không gặp phản ứng nào từ các cổ đông chiến lược nước ngoài trước kế hoạch chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX tới đây. Bởi đã là doanh nghiệp tốt thì ở đâu cũng vậy.

"Tôi không ngờ họ lại có sự hỗ trợ, sự ủng hộ ngay khi mà tôi nói ra, Với những nhà đầu tư lâu dài và đầu tư vào giá trị của công ty thì sẽ có cái nhìn khác về thị trường với các nhà đầu tư lướt sóng", bà Nguyễn Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn Pan cho biết.

Cổ phiếu HOSE ở nhờ HNX và niềm tin của ông Trương Gia Bình - Ảnh 2.

Doanh nghiệp tốt thì ở sàn nào cũng vây, và ngược lại?

Một đi không trở lại?

Một rào cản tâm lý khác với doanh nghiệp niêm yết trước việc chuyển giao dịch là nỗi lo "một đi không trở lại" nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định đây chỉ là giải pháp tạm thời và không mang hàm ý chuyển niêm yết.

"Giải pháp này là cái việc mà tạm thời doanh nghiệp sử dụng cái hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để thực hiện giao dịch chứ không đặt ra câu chuyện chuyển niêm yết ở thời điểm hiện nay và ngay sau khi sự cố này được khắc phục thì doanh nghiệp lại có thể chuyển lại niêm yết tại HOSE như bình thường", bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.

Hiện nay, trong nhóm thành viên thị trường mới có 2/12 công ty chứng khoán quyết định chuyển sàn giao dịch. Theo thống kê cho thấy, tất cả 12 công ty chứng khoán cùng tạm chuyển nhà thì lưu lượng của HOSE giảm được khoảng 10-12%. Một con số được đánh giá vẫn còn quá ít.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên chuyển các nhóm trụ cột của thị trường, những nhóm có thanh khoản cao như ngân hàng, bất động sản thì tỷ lệ giảm nghẽn mới gia tăng đáng kể từ 35-40%. Tuy nhiên, hiện nay văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới là tinh thần tự nguyện. Vậy làm sao để khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện hơn? Ví dụ như cổ phiếu VND vốn dĩ nằm trong bộ chỉ số VN-Index, VN100, VNFinLead, làm sao cơ quan quản lý phải đảm bảo quyền lợi khi chuyển sàn?

"Chúng tôi đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước, vì đây là việc chuyển giao dịch tạm thời chứ không có chuyển niêm yết, thì cũng có những chính sách để duy trì được việc cổ phiếu của chúng tôi nằm trong các chỉ số này", ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Quyền Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán VNDirect cho biết.

Cổ phiếu HOSE ở nhờ HNX và niềm tin của ông Trương Gia Bình - Ảnh 3.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định việc chuyển từ HOSE sang HNX không phải là con đường một chiều

Còn theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết: "Chúng ta giảm phí giao dịch cho các cổ phiếu từ sàn HOSE sang sàn HNX, điều này rất là tốt cho các doanh nghiệp được đảm bảo lợi ích của họ, họ chuyển sàn sẽ không lo giảm thanh khoản. Các nhà đầu tư giao dịch các cổ phiếu này với phức phí thấp hơn".

Thậm chí, các công niêm yết cũng mong muốn tất cả các thủ tục hành chính cho việc chuyển sàn phải thật đơn giản, và cơ quan quản lý là các Sở HOSE, HNX sẽ là đơn vị làm cho doanh nghiệp, thay vì doanh nghiệp phải đi tìm hiểu,hỏi các bên. Doanh nghiệp chỉ cần có quyết định của HĐQT, của cổ đông về việc chuyển sàn là xong thì quá trình mới nhanh được.

Niềm tin của ông Trương Gia Bình

Chuyển sàn, đó vẫn là bài toán trước mắt, ngắn hạn, còn về trung và dài hạn phải giải quyết cốt lõi của vấn đề là hệ thống giao dịch của HOSE. FPT, một doanh nghiệp tư nhân đã đưa ra đề xuất triển khai hệ thống thay thế tạm thời cho đến khi Hệ thống chính thức của KRX vận hành chính thức.

Tuy nhiên, đã có nhiều câu hỏi đặt ra về khả năng của FPT cũng như trách nhiệm của FPT khi tham gia xây dựng. Ngay bên lề cuộc họp Ủy ban Chính phủ điện tử chiều nay (10/3), phóng viên của Bản tin Tài chính kinh doanh đã có câu trả lời từ Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FPT.

"Chúng ta sẽ xử lý triệt để các khó khăn hiện tại... tôi khẳng định là triệt để. Chúng tôi đã có kinh nghiệm triển khai các hệ thống của Ủy ban chứng khoán, trừ hệ thống của Thái Lan này. Chúng tôi cũng đã triển khai cho sàn chứng khoán Hà Nội và hoạt động rất ổn đinh lâu nay. Vì vậy chúng tôi khẳng định chúng tôi làm được. Bộ trưởng Tài chính có nói là trong ngắn hạn chúng ta sẽ phải dùng mọi biện pháp khơi thông tạm thời, cách nào cũng tốt. Còn sau 3 tháng nữa chúng ta sẽ có hệ thống mới...", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Cổ phiếu HOSE ở nhờ HNX và niềm tin của ông Trương Gia Bình - Ảnh 4.

Ông Trương Gia Bình tự tin có thể xử lý lỗi của HOSE (Ảnh: Dân trí)

Khi được hỏi nếu xây dựng xong, nếu trục trặc ai sẽ chịu trách nhiệm, và liệu có đảm bảo hệ thống mới sau khi triển khai sẽ ổn định hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Trương Gia Bình một lần nữa nhấn mạnh: "Khi mà người Việt Nam đã làm chủ, tôi xin cam đoan là hệ thống sẽ hoạt động trơn tru... trong lâu dài".

Xây dựng hệ thống mới, dù có là áp dụng hệ thống đang vận hành từ HNX sang đi chăng nữa vẫn cần vài tháng để hiệu chỉnh, chạy thử. Trong ngắn hạn, giải pháp được cho là nhanh nhất, tiết kiệm nhất và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư chính là việc chuyển sàn giao dịch.

Khi nhiều hơn các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE hiểu rõ rõ đây không phải chuyển niêm yết, mà chỉ là chuyển giao dịch tạm thời thì sẽ nhiều hơn nữa các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển sàn. Tích tiểu thành đại, những nhóm cổ phiếu, từng nhóm ngành đồng thuận sẽ giúp tình trạng tắc đường tại HOSE đỡ nghẽn hơn phần nào.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước