Các ngân hàng đều có nguồn vốn vững chắc khi cuộc khủng hoảng COVID-19 nổ ra. (Ảnh minh họa: WSJ)
Các ngân hàng đều có nguồn vốn vững chắc khi cuộc khủng hoảng COVID-19 nổ ra và họ đã vượt qua khủng hoảng tốt hơn so với kỳ vọng. Theo nhận định của các chuyên gia, ngân hàng sẽ có cú hồi phục lịch sử theo sát đà hồi phục của nền kinh tế thay vì trở thành lực cản đối với nền kinh tế như trước kia.
Keith Lerner, chiến lược gia trưởng của Truist Advisory Services, cho rằng các ngân hàng hiện ở trong vị thế tương tự như mảng tiêu dùng, nghĩa là lĩnh vực này đang thích nghi rất tốt bất chấp cú sốc lớn như COVID-19.
Có quan điểm tương tự, Diane Jaffee, quản lý cao cấp tại TCW, cũng nhận định các ngân hàng bước vào cuộc suy thoái này với nguồn vốn dự phòng rất lớn. Các ngân hàng đã sống khá tốt trong khủng hoảng lần này. Sau nhiều năm, 2021 có thể là năm cuối cùng các ngân hàng có lợi thế về lãi suất.
Đường cong lợi suất trở nên dốc hơn, khiến khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay tăng lên cũng tạo nên sức bật cho các ngân hàng. Quý vừa qua, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase đã ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục.
2021 cũng có thể là năm đà tăng giá kéo dài suốt mấy chục năm của thị trường trái phiếu sẽ kết thúc. Nếu giá trái phiếu giảm và lợi suất tăng, các doanh nghiệp sẽ quay sang vay vốn ngân hàng thay vì phát hành trái phiếu để huy động vốn như trước.
Ngoài ra, khi giải ngân được nhiều khoản vay hơn, các ngân hàng sẽ có tăng trưởng tín dụng tốt, kiểm soát chi phí tốt hơn và bắt đầu mua lại cổ phiếu quỹ. Họ cũng sẽ tiếp tục trả cổ tức, thậm chí còn có thể tăng cổ tức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!