Có rừng là có tín chỉ carbon?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 06/07/2024 08:42 GMT+7

VTV.vn - Tiềm năng tín chỉ carbon rừng là có nhưng không phải cứ có rừng là có tín chỉ carbon, mà còn cần nhiều điều kiện khắt khe, nghiêm ngặt từ đơn vị chứng nhận tín chỉ carbon.

Phát triển tín chỉ carbon trên rừng trồng

Tín chỉ carbon rừng, thương mại hoá tín chỉ carbon rừng có lẽ là khái niệm không quá xa lạ trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, đối với việc lập dự án tín chỉ carbon đối với rừng trồng thì tỉnh Tuyên Quang đang gần như là đơn vị đầu tiên thực hiện.

Tuyên Quang là một trong 3 địa phương có độ che phủ lớn nhất cả nước, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh này lên trên 65% và mỗi năm họ có tới 11.000 ha rừng trồng mới, tiềm năng việc bán tín chỉ carbon rừng trồng mới cũng đã được tỉnh bước đầu đong đếm.

Theo tính toán của Công ty Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) khi đặt vấn đề làm dự án tại Tuyên Quang, nếu dự án được phê duyệt thì từ năm 2022 đến năm 2030 Tuyên Quang sẽ bán được trên 1,8 triệu tín chỉ carbon từ rừng trồng mới và sẽ thu về gần 12,1 triệu USD.

Có rừng là có tín chỉ carbon? - Ảnh 1.

Đối với việc lập dự án tín chỉ carbon đối với rừng trồng thì tỉnh Tuyên Quang đang gần như là đơn vị đầu tiên thực hiện. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Ngoài diện tích rừng trồng mới, Tuyên Quang còn có khoảng 67.000 ha là rừng trồng kéo dài chu kỳ kinh doanh. Theo chu kỳ kinh doanh rừng keo là 7 năm được thu hoạch, nhưng nếu kéo dài thêm 3 năm nữa thì ngoài tiền thu về từ việc bán gỗ, họ sẽ có thể bán tín chỉ carbon rừng trong khoảng 3 năm này. Theo khảo sát ban đầu, với 67.000 ha rừng kéo dài chu kỳ kinh doanh thì có thể cho khoảng 9 triệu tín chỉ carbon.

Ông Triệu Đăng Khoa - Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Việc bán tín chỉ carbon tôi nghĩ nó là một phần thưởng sẽ đúng hơn. Trên một cánh rừng nó đơn thuần không phải là thu 100 - 200 m3 gỗ, mà nó có cả dịch vụ môi trường rừng như fsc, tín chỉ carbon… và tạo ra môi trường rất trong lành cho toàn xã hội".

Hành trình tìm tín chỉ carbon cho rừng trồng

Tiềm năng tín chỉ carbon rừng là có nhưng không phải cứ có rừng là có tín chỉ carbon, mà còn cần nhiều điều kiện khắt khe, nghiêm ngặt từ đơn vị chứng nhận tín chỉ carbon.

Một cây keo ở độ tuổi năm thứ 3, thông thường sẽ được thu hoạch vào năm thứ 7. Nhưng với việc kéo dài chu kỳ thêm 3 năm nữa là năm thứ 10 thì cây keo sẽ mang lại 3 giá trị: giá trị kinh tế khi lượng gỗ lớn tăng thêm, giá trị về mặt bảo vệ môi trường và giá trị từ việc thu được tín chỉ carbon.

Chi Cục kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang đang làm việc với Công ty Lâm Nghiệp Yên Sơn - 1 trong 4 doanh nghiệp tham gia dự án thí điểm phát triển tín chỉ carbon trên diện tích rừng trồng kéo dài chu kỳ thu hoạch rừng từ 7 năm lên 10 năm.

"Cuối tháng 7 này sẽ hoàn thành việc cập nhật cơ sở dữ liệu; đánh giá tiềm năng khả năng phát triển…", ông Triệu Đăng Khoa - Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tỉnh Tuyên Quang cho biết.

Ông Trần Xuân Quảng - Giám đốc công ty TNHH lâm nghiệp Yên sơn, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: "Với hơn 3.000 ha hiện tại đang có chu kỳ kinh doanh là 7 năm nếu kéo dài 10 năm sẽ có khoảng 15 tín chỉ carbon/ha".

15 tín chỉ carbon cho mỗi ha rừng trồng, không chỉ thế cái quan trọng nữa là giữ thêm 3 năm, cũng làm tăng lượng gỗ khai thác, thu về từ 150 - 200 triệu đồng/ha tiền bán gỗ. Hơn thế là việc phát triển rừng một cách bền vững hơn.

Ông Triệu Đăng Khoa - Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Đối với từng loại hình cách tính sẽ khác nhau. Ví dụ rừng trồng mới yêu cầu bắt buộc 10 năm trước phải là trồng trên đất trống thì mới được tính lượng hấp thụ carbon; còn với rừng kéo dài chu kỳ kinh doanh, tính từ thời điểm kéo dài tức hết chu kỳ là 7 năm nhưng mình kéo dài lên 10 năm thì bắt đầu từ năm thứ 8 mới được tính".

Có rừng là có tín chỉ carbon? - Ảnh 2.

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng không chỉ đúng với xu hướng của thế giới, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên để những mục tiêu trên trở thành hiện thực vẫn cần một hành lang pháp lý đầy đủ, để việc thương mại hoá tín chỉ carbon rừng được thuận lợi, gia tăng giá trị từ hàng chục nghìn ha rừng tại đây.

"Các bộ ngành Trung ương cần tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành các quy định hướng dẫn về thương mại hóa tín chỉ carbon. Việc sử dụng kinh phí nguồn thu từ tín chỉ carbon đảm bảo như các dịch vụ môi trường khác như đối với nước sạch, thủy điện, du lịch…", ông Triệu Đăng Khoa - Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tỉnh Tuyên Quang bày tỏ.

Đã có không ít khách hàng trong nước và nước ngoài đặt vấn đề mua tín chỉ carbon rừng của Tuyên Quang, nhưng do vẫn chưa có khung pháp lý nên việc giao dịch tín chỉ carbon rừng trong tình trạng vẫn chưa thể thực thi.

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng không chỉ đúng với xu hướng của thế giới, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đúng theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và góp phần thực hiện cam kết Netzero của Chính phủ vào năm 2050.

Việt Nam đang đàm phán bán 5 triệu tín chỉ carbon rừng Việt Nam đang đàm phán bán 5 triệu tín chỉ carbon rừng Việt Nam sắp bán trên 5 triệu tín chỉ carbon rừng Việt Nam sắp bán trên 5 triệu tín chỉ carbon rừng Chia sẻ 51,5 triệu USD cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ từ bán tín chỉ carbon rừng Chia sẻ 51,5 triệu USD cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ từ bán tín chỉ carbon rừng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước