Cơ sở nào S&P nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 27/05/2022 18:49 GMT+7

Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 6,9% trong năm 2022. (Nguồn: TTXVN)

VTV.vn - Việt Nam là một trong hai nước ở châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức xếp hạng S&P nâng bậc tín nhiệm từ đầu năm đến nay.

S&P mới đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng "Ổn định", đưa Việt Nam trở thành một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều biến động.

Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với bà Rain Yin - Trợ lý Giám đốc, Nhóm Đánh giá tín nhiệm Quốc gia, S&P - người trực tiếp phụ trách xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tại S&P.

Cơ sở nào S&P nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam? - Ảnh 1.

Bà Rain Yin - Trợ lý Giám đốc, Nhóm Đánh giá tín nhiệm Quốc gia, S&P.

Thưa bà, bà có thể cho biết sở nào cho đợt nâng hạng lần này đối với Việt Nam?

Bà Rain Yin: Nhân tố chính là ở sự cải thiện rõ rệt về chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh của Chính phủ. Vào tháng 10/2019, Việt Nam đã gặp phải một số vấn đề về quy trình, thủ tục và sự chậm trễ trong việc hoàn trả một khoản nợ được bảo lãnh và đó cũng là lý do mà chúng tôi đã hạ tín nhiệm vào thời điểm đó. Tuy nhiên, trong những tháng sau đó, một số giải pháp đã được đưa ra để hoàn thiện quy trình. Và 2 năm sau đó, chúng tôi đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể về chất lượng quản trị các khoản nợ.

Bà đánh giá ra sao về nền tảng kinh tế của Việt Nam tại thời điểm này?

Bà Rain Yin: Chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm nay và 7,2% trong năm tới. Cơ sở cho nhận đinh này, trước tiên là từ lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, với lợi thế cạnh tranh rõ nét trên thị trường quốc tế. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu của thị trường quốc tế đối với mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam những tháng gần đây là rất lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát COVID-19, cũng góp phần củng cố cả nhu cầu nội địa và dòng vốn đầu tư. Du lịch cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể.

Vậy kỳ vọng nào cho đợt nâng hạng tiếp theo thưa bà?

Bà Rain Yin: Chúng tôi đưa ra triển vọng Ổn định, nghĩa là trong dự báo của chúng tôi sẽ có xác xuất 66% là không có thay đổi nào về xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam trong 1-2 năm tới, kể cả là tăng hay giảm.

Tôi muốn nhấn mạnh bối cảnh vĩ mô thế giới hiện khá dễ tổn thương, với giá hàng hoá tăng cao, áp lực lạm phát, địa chính trị bất định và diễn biến mới của dịch bệnh vẫn là những biến số. Với Việt Nam, một số điểm cộng để tiếp tục nâng hạng sẽ bao gồm việc tiếp tục cải thiện thể chế, củng cố nền tảng vĩ mô, nâng cao chất lượng quản trị nhằm cải thiện yếu tố minh bạch và dễ dự báo của các chính sách, quy định đưa ra.

Xin cảm ơn bà!

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định".

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã trao đổi với báo chí về kết quả xếp hạng của S&P cùng những vấn đề về xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam trong thời gian tới.

Xin ông cho biết S&P nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam dựa trên cơ sở nào?

Ông Trương Hùng Long: S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam dựa trên 5 cơ sở bao gồm: Nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới. Thứ hai là triển vọng kinh tế mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút dòng vốn FDI bất chấp sự gián đoạn của đại dịch. Cơ sở thứ ba là tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát COVID của Việt Nam. Thứ tư là dư địa chính sách tài khóa vẫn dồi dào trong bối cảnh nợ công giảm mạnh cho phép nền kinh tế ứng phó với rủi ro vĩ mô. Và cuối cùng là sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh.

Thưa ông, việc S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định" có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta ở thời điểm này?

Ông Trương Hùng Long: Lần gần nhất S&P nâng hạng cho Việt Nam lên BB là tháng 4/2019. Như vậy, sau 4 năm S&P tiếp tục có quyết định nâng hạng cho Việt Nam. Điều này thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội.

Việc nâng hạng tín nhiệm có ý nghĩa hết sức tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Đối với Chính phủ, trong bối cảnh cần huy động các nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc nâng hạng góp phần giúp Chính phủ mở mang các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển với chi phí hợp lý.

Đối với doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại góp phần đa dạng hóa nguồn tài chính, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài.

Đối với quốc gia, góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

Xin ông cho biết thêm một số trọng tâm cần tập trung cải thiện để Việt Nam nâng hạng lên mức xếp hạng tín nhiệm Đầu tư trong thời gian tới?

Ông Trương Hùng Long: Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, hai trụ cột Việt Nam cần cải thiện là về quản trị, cụ thể là cải thiện chất lượng thể chế, quản trị, công khai minh bạch dữ liệu và thứ hai là về khả năng chống chọi đối với các sự kiện bên ngoài.

Về quản trị, chúng ta cần tiếp tục cải thiện các chỉ số quản trị đã được công bố toàn cầu, nâng cao các tiêu chuẩn công bố dữ liệu và cải thiện chất lượng và tính kịp thời của dữ liệu cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trên thực tế, đây là các định hướng, nhiệm vụ Chính phủ đã chỉ đạo sát sao để các bộ, ngành, cơ quan có liên quan cùng thực hiện.

Ngoài ra Việt Nam cần cải thiện khả năng chống chọi với các rủi ro bên ngoài. Cần cải thiện hơn nữa các vấn đề mang tính cơ cấu ở khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách nhà nước.


S&P nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định” S&P nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”

VTV.vn - Ngày 26/5/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước