Nhiều nước châu Âu đã siết chặt các biện pháp phòng dịch đang có hiệu lực, thậm chí bổ sung một số biện pháp mới khiến việc đi nghỉ hè trở nên phức tạp và tốn kém hơn, một lần nữa kéo cổ phiếu của các doanh nghiệp du lịch và hàng không đi xuống.
Tuần báo tài chính Le Revenu của Pháp có bài về "Ngành du lịch đang bị biến chủng Delta đe dọa" đã phân tích thiệt hại của các nhà đầu tư đang nắm giữ chứng khoán ngành này.
Theo biểu đồ từ bài báo, so với tháng trước, cổ phiếu tập đoàn khách sạn Accor mất 11%. Cổ phiếu công ty ADP quản lý 3 sân bay lớn nhất Paris giảm gần 13%, nhưng vẫn còn mất mát ít hơn hãng hàng không Pháp. Cổ phiếu của tập đoàn bất động sản nghỉ dưỡng Pierre & Vacances sụt giảm tới 17%.
Bài báo viết: "Nhiều nhà đầu tư đã nghĩ rằng cổ phiếu ngành du lịch sẽ tăng giá nhanh hơn khi kinh tế phục hồi. Hiện, bất ổn và lo ngại dịch bệnh đang buộc họ phải thận trọng trở lại".
Khách du lịch tại Gran Canaria (Tây Ban Nha) vào tháng 3/2021. (Ảnh: Reuters)
Hè năm nay khác hè năm 2020 ở chỗ, nhiều người đã tiêm chủng xong xuôi, nhiều nước đã bãi bỏ các biện pháp phòng dịch, ngành du lịch có cơ sở để hy vọng. Tuy nhiên hiện nay, "Du lịch đang trong cơn bão Delta", như đầu đề một bài trên trang nhất tờ Corriere Fiorentino của Italy.
Biến chủng tăng phi mã ở vùng Toscana, còn tại Florence, số ca nhiễm mới tăng gấp đôi sau 24 giờ, mặc dù áp lực lên bệnh viện không thay đổi, số người phải nhập viện không nhiều hơn. Bài báo viết: "Tại Florence, khoảng 15 - 20% khách hàng đã đặt khách sạn cho kỳ nghỉ dài trong tháng 8 nay quyết định hủy phòng".
Nhiều nhà cũng tính đi chơi hè vài tuần, nhưng không đặt phòng trước, không mua vé máy bay, theo tờ Corriere della Sera. Tờ báo Italy viết: "Khách du lịch hiểu rằng hôm nay có thể đi nghỉ, nhưng vài ngày nữa thì chưa biết thế nào, vậy nên quyết định rất sát ngày. Đi được thì mới quyết và quyết cái là đi ngay. Đa số khách tự lái xe nhà, chứ không chọn đi máy bay, vì cũng không biết chắc cuối kỳ nghỉ có máy bay để về hay không".
Sự thận trọng của du khách khiến mùa hè trở nên ảm đạm với ngành du lịch. Tờ La Razon ra tại Tây Ban Nha có bài: "Ngành du lịch đang ngập trong đống nợ, còn quá ít cửa để xoay xở". Không chỉ các nhà đầu tư tài chính ngần ngại, mà ngay cả các ngân hàng cũng e dè không muốn đầu tư vào ngành này.
Bài báo viết: "Hiệp hội Ngân hàng Tây Ban Nha cảnh báo rằng, việc áp đặt các hạn chế đi lại do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta có thể phá tan kỳ vọng phục hồi của một ngành kinh tế quan trọng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!