Ngày càng có nhiều loại tiền số trong ví của người tiêu dùng trên thế giới như Bitcoin, Etharium, Alipay, Wechat và sắp tới sẽ là Libra. Thực tế cho thấy, tác động của các loại tiền số nói riêng và làn sóng số hóa lĩnh vực tài chính đang nhanh hơn các dự báo. Đó là lý do tại sao dù mới chỉ xướng tên nhưng đồng Libra của Facebook và liên minh gồm 28 tổ chức tài chính lớn trên thế giới đã tại ra một cơn địa chấn trong ngành tài chính toàn cầu 1 tháng trở lại đây.
Ông David Marcus - Trưởng Dự án tiền điện tử Libra của Facebook đã điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ về cách thức quản lý đồng Libra, cũng như những ảnh hưởng có thể xảy đến với chính sách tiền tệ toàn cầu sau khi Facebook phát hành đồng tiền này. Đây là phiên điều trần công khai đầu tiên của đại diện Facebook trước Thượng viện Mỹ về dự án đồng tiền điện tử đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Hiện tại, các ý kiến phản hồi cho thấy có nhiều lo ngại về đồng Libra.
Các thượng nghị sỹ Mỹ nhắc đi nhắc lại rằng họ không tin tưởng Facebook, và họ phủ nhận đồng Libra. Liệu phiên điều trần này có tác động gì đến khả năng triển khai của đồng Libra hay không? Đây là một câu hỏi chưa có lời giải.
Nếu nhìn vào phiên điều trần cách đây hơn 1 năm của Facebook trước Quốc hội Mỹ, có thể thấy kết quả cuối cùng chỉ là khoản tiền phạt 5 tỷ USD - được xem là nhỏ giọt khi chỉ bằng số tiền Facebook kiếm được trong hơn 1 tháng. Sau đó, phiên điều trần đầu tiên cũng không cản được tốc độ phát triển của Facebook. Trong phiên điều trần lần này, có vẻ như các thượng nghị sĩ không chỉ ra được các vi phạm cụ thể, nên nhiều khả năng cũng chỉ kéo dài thời gian, làm giảm tốc độ triển khai Libra, chứ chưa có một quy định nào có thể cấm đồng tiền này.
Trong khi đó, sự quan ngại không chỉ dừng lại ở Mỹ, quê hương của Facebook, mà đã lan ra toàn cầu. Giới chức các nước đồng loạt lên tiếng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết: "Chúng tôi không muốn bất kỳ công ty tư nhân nào lại có khả năng tạo ra một loại tiền có chủ quyền. Những đồng tiền có chủ quyền như đồng USD, Euro đều có nghĩa vụ phải tuân theo các cam kết và yêu cầu nhất định. Vì vậy, chúng tôi không chấp nhận bất kỳ loại tiền trao đổi nào có cùng quyền lực, cùng vai trò mà lại không tuân thủ cùng nghĩa vụ như các đồng tiền khác".
Không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu trì hoãn dự án đồng Libra, chính phủ các nước còn cho rằng, chẳng cần đến đồng tiền số này.
"Facebook nói đồng Libra có thể khiến các khoản thanh toán xuyên biên giới trở nên nhanh chóng và rẻ hơn. Nhưng các ngân hàng trung ương và hệ thống tiền tệ hiện tại cũng có thể làm được điều này. Không cần thiết phải thành lập hẳn một loại tiền tệ mới như Libra" - Bộ trưởng Boọ Tài chính Đức Olaf Scholz nói.
Bà Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ cho rằng: "Việc này giống như mở một ngân hàng mà không cần thông qua bất kỳ thủ tục nào. Facebook đang tự tạo ra đồng tiền số của riêng mình, một đồng tiền có thể sẽ thay thế đồng USD. Ngay bây giờ họ cần dừng tất cả lại thì chúng ta mới có thể kiểm soát được những gì đang diễn ra".
Mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đưa ra một báo cáo có tiêu đề là "Sự trỗi dậy của đồng tiền số", cho thấy tiền số có thể trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng truyền thống, thử thách các đồng tiền tệ và đe doạ tới quyền kiểm soát chính sách tài chính của các ngân hàng trung ương, đặc biệt ở những quốc gia có những đồng tiền tệ yếu.
Một số quốc gia nơi có đồng nội tệ yếu, có thể người dân còn muốn giữ tiền số thay vì đồng nội tệ do tiền số có giá trị quy đổi so với đồng USD tốt hơn cả đồng nội tệ. Như vậy, rất có thể các giao dịch được thực hiện bằng tiền số sẽ vượt qua cả đồng nội tệ. Ngân hàng trung ương quốc gia đó sẽ mất kiểm soát trong chính sách tiền tệ. Nếu như đồng tiền số Bitcoin chưa thể làm được điều đó vì giá trị của nó lên xuống quá bất thường thì với đồng tiền số Libra, Facebook đang kỳ vọng sẽ lấp đầy chỗ trống đó.
Trong các cuộc tranh luận về đồng Libra vừa qua, dường như các ngân hàng thương mại im hơi lặng tiếng. Tại sao lại có sự im lặng này? Trong vấn đề này, các ngân hàng được chia thành 2 nhóm. Một nhóm đang chờ đợi các phán quyết về đồng Libra. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngân hàng thương mại có thể được lợi nếu Libra thành hiện thực. Bởi muốn dùng đồng Libra, người ta vẫn phải đổi tiền thật. Thậm chí, ngay cả khi đã sở hữu đồng Libra, người tiêu dùng muốn tiêu được ngoài đời thực buộc phải qua ngân hàng để đổi. Cái mà các ngân hàng này phải tính là cần có được sự gật đầu đồng ý từ các ngân hàng trung ương.
Nhóm thứ hai là các ngân hàng lớn đã và đang đầu tư tiền của cho việc nghiên cứu đồng tiền số riêng. Ở châu Âu, một liên minh do UBS và Santander dẫn đầu đang làm việc với các đối tác công nghệ về một đồng tiền số tiện ích giúp giảm các thủ tục trong giao dịch liên ngân hàng quốc tế. Đồng tiền này cũng dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain nhưng liên kết chặt chẽ với đồng nội tệ các nước và phải được ngân hàng trung ương chấp thuận. Họ vẫn đang kín tiếng về tiến độ nhưng được kỳ vọng sẽ ra mắt trong 1 năm tới.
Còn tại Mỹ, ngân hàng JPMorgan đang đi tiên phong khi phát triển công nghệ Blockchain và có đồng tiền số riêng có tên là JPM. Đồng tiền này hiện đang áp dụng nội bộ, giúp các ngân hàng của JP Morgan giảm thiểu các thủ tục giao dịch. Đồng tiền này neo giá theo đồng USD và có thể chuyển đổi bất cứ lúc nào.
Trong Báo cáo chung giữa Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới được đưa ra hôm 27/6 có một điểm rất đáng chú ý đó là nhiều ngân hàng Trung ương các nước đã bắt tay vào việc nghiên cứ đồng tiền CBDC (đồng tiền số của ngân hàng trung ương). Ví dụ, Uruguay đã tiến hành các chương trình hướng dẫn áp dụng. Còn Trung Quốc, Thụy Điển, Ukraine và một số nước khác vùng Caribe đang tiến hành thử nghiệm hệ thống.
Theo báo cáo này, mục đích hướng tới đồng tiền số của ngân hàng trung ương các nước là khác nhau nhưng chủ yếu để tiết giảm chi phí và thủ tục chuyển tiền, giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt. Theo dự báo của hai tổ chức này, thời gian tới, loại tiền số như vậy sẽ được các ngân hàng trung ương duy trì song song với đồng nội tệ và là công cụ kiểm soát các giao dịch một cách hữu hiệu. Đây cũng sẽ là thách thức đối với sự ra đời của đồng Libra mà Facebook đang ấp ủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!