Con đường nào để đường cát lậu tuồn vào Việt Nam?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 29/08/2019 07:33 GMT+7

VTV.vn - Tạm nhập nhưng không tái xuất; in bao bì đem qua biên giới, lợi dụng đêm tối "sang bao" rồi nhập lậu về Việt Nam... đây là các "chiêu" cơ bản để đường lậu vào Việt Nam.

Đường lậu thường được tập kết dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, sau đó vận chuyển bằng hai đường thủy, bộ vào trong nước. Theo đó, các đối tượng buôn lậu dùng thủ đoạn sang chiết đường cát lậu vào những bao nhỏ, vận chuyển ban đêm để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện.

Thiếu tá Huỳnh Thanh Tâm - Đồn trưởng đồn biên phòng Vĩnh Ngươn - An Giang nói: "Đa số các đối tượng buôn lậu thường hoạt động vào ban đêm, mùa này các đối tượng thường đi bằng các vỏ lãi rất nhỏ".

Nếu như trước đây, đường nhập lậu chủ yếu được chuyên chở bằng phương tiện vận tải thủy thì nay đường lậu được chuyên chở bằng tất cả các phương tiện, thậm chí kể cả mang vác qua biên giới. Đồng thời, phương thức, thủ đoạn nhập lậu cũng thay đổi thường xuyên và ngày càng tinh vi hơn.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nếu trong giai đoạn 1999 - 2008, lượng đường nhập lậu chỉ khoảng 100.000 tấn/năm, đến giai đoạn 2009-2015, lượng đường nhập lậu gấp 3 lần trước đó với khoảng 350.000 tấn/năm. Còn hiện nay đường nhập lậu và gian lận thương mại có khối lượng ước tính khoảng 700.000 tấn/năm. Trước áp lực này, các doanh nghiệp trong nước phải liên tục giảm giá đường, có lúc giảm bằng giá đường lậu nhưng vẫn không tiêu thụ được.

Ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch hiệp hội mía đường Việt Nam cho hay: "Tình trạng đường nhập lậu vào Việt Nam không phải bây giờ mới có mà đã kéo dài nhiều năm, nhưng năm nay tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp trong nước. Các nhà máy sản xuất đường tiêu thụ rất chậm, thậm chí giá bằng đường lậu. Ngành đường đã nhìn thấy đường lậu đã thay thế đường trong nước".

Cũng theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường, hàng năm Việt Nam sản xuất trung bình 1,4 triệu tấn đường, trong khi nhu cầu thị trường từ 1,5 - 1,7 triệu tấn. Nghịch lý ở chỗ trong khi cung không đủ cầu nhưng các nhà máy đường luôn bị tồn kho. Nguyên nhân lớn nhất chính vì đường nhập lậu, đường tạm nhập nhưng không "tái xuất" ngày một gia tăng. Có lẽ đây mới chính là con đường để đường cát lậu tung hoành ngoài thị trường lớn nhất, khó kiểm soát nhất.

Báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự kiến niên vụ 2019 - 2020 cho biết, ngành mía đường sẽ tiếp tục suy giảm, diện tích trồng còn khoảng 220.000 ha, sản lượng mía khoảng 13 triệu tấn, sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn và với đà này năm nay sẽ lại là một năm khó khăn của ngành đường.

An Giang: Thu giữ 5 tấn đường cát nhập lậu qua biên giới An Giang: Thu giữ 5 tấn đường cát nhập lậu qua biên giới

VTV.vn - Lực lượng chức năng tỉnh An Giang bắt giữ vụ vận chuyển 5 tấn đường cát từ Campuchia về Việt Nam không có ai nhận là chủ số đường cát nói trên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước