Tổng cục Thuế vừa có Công văn 3385 yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố thực hiện việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp, trong đó công bố danh sách 113 doanh nghiệp bán trái phép hóa đơn. Trước đó, năm 2023 tổng cục Thuế cũng đã công khai danh sách 524 doanh nghiệp mua bán trái phép hóa đơn. Như vậy tổng cộng 2 lần, Tổng cục Thuế đã công khai danh tính của 637 doanh nghiệp.
Chỉ đạo này của Tổng cục Thuế được ban hành trên cơ sở kết quả Bản án số 115 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, về xét xử sơ thẩm vụ án mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.
Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã xác định, trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022, đối tượng Nguyễn Minh Tú đã trực tiếp hoặc thông qua đối tượng trung gian, sử dụng 637 công ty do Nguyễn Minh Tú mua lại để bán trái phép trên 1 triệu hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng chục nghìn đơn vị, tổ chức để hợp thức hóa việc thanh toán qua ngân hàng.
Để tiếp tục xử lý thuế đối với các hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục thuế thực hiện khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử, thu thập hóa đơn giấy của 113 công ty mới công bố danh sách, để áp dụng các biện pháp quản lý thuế theo quy định. Trường hợp phát hiện tổ chức, đơn vị nào có sử dụng hóa đơn của 113 công ty trên đây để kê khai thuế thì xem xét, xử lý thuế, hóa đơn theo quy định.
Như vậy, mặc dù đã chuyển đổi sang hóa đơn điện tử nhưng trên thực tế việc gian lận hóa đơn vẫn diễn ra phức tạp. Các đối tượng vẫn mua bán hóa đơn điện tử qua lại giữa các công ty, hợp thức hóa hóa đơn chứng từ làm giảm số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, thu lời bất chính với số tiền lớn. Trước thực tế này, ngành thuế tiếp tục các biện pháp siết chặt quản lý sử dụng hóa đơn để chống thất thu thuế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!