Các nhà sản xuất ô tô đang đẩy nhanh việc đưa ra thị trường những công nghệ tránh tai nạn mới nhất, nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng xe. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, sự xuất hiện của các công nghệ mới, lại đang khiến nhiều hãng bảo hiểm phải lúng túng trong việc triển khai các dịch vụ bảo hiểm ô tô.
Thị trường toàn cầu cho các hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến (ADAS), được dự báo sẽ đạt quy mô 67 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hơn 10%/năm. Nhờ mức chi phí khá thấp, chỉ từ 500 – 1.000 USD/xe cho các bộ phận như thiết bị cảnh báo va chạm hay phanh khẩn cấp tự động, công nghệ mới dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho ngành công nghiệp ô tô.
Tuy nhiên, ngành bảo hiểm lại tỏ ra không mấy lạc quan. Theo ước tính, các công nghệ ADAS có thể giảm tần suất tai nạn giao thông tới 25%, đồng nghĩa, khách hàng sẽ muốn phí bảo hiểm phải giảm xuống.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, chi phí sửa chữa cho các va chạm nhỏ có thể sẽ tăng lên gấp đôi, nếu các cảm biến dùng cho hệ thống an toàn bị hư hỏng. Bên cạnh đó, vẫn còn một vấn đề khác: sự thiếu thông tin.
Việc các nhà sản xuất xe từ chối cung cấp dữ liệu để đảm bảo tính cạnh tranh, cùng với sự thiếu vắng một tiêu chuẩn chung cho các hệ thống an toàn, khiến nhiều hãng bảo hiểm lớn như State Farm, Geico vẫn ngần ngại trong việc giảm phí bảo hiểm. Mặc dù đang có những sự hợp tác bước đầu giữa một số hãng ô tô và bảo hiểm, sẽ phải mất một thời gian để những thay đổi thực sự xảy ra.
Mặc dù thường bị coi là một ngành có lợi nhuận thấp, bảo hiểm ô tô lại đang cung cấp lượng thanh khoản lớn nhất cho các công ty bảo hiểm tại Mỹ. Trong năm ngoái, mảng kinh doanh đã tạo ra hơn 244 tỷ USD phí bảo hiểm trực tiếp, chưa kể các sản phẩm bán chéo kèm theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!