Tính chung ngành công nghiệp cả năm 2020 đã tăng trưởng 3,36% giá trị so với năm trước. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Năm 2020, lĩnh vực này đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng kinh tế với mức tăng trên 5,8%. Thông tin nổi bật này được đưa ra từ Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 diễn ra ngày 7/1, do Bộ Công Thương tổ chức.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính chung ngành công nghiệp cả năm đã tăng trưởng 3,36% giá trị so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tính chung 5 năm (2015 - 2020), giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (VA công nghiệp theo giá so sánh 2010) tăng từ 810,438 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 1.145,437 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng (VA) trong công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 7,16%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2020 là 6,5 - 7%/năm.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, có được kết quả trên là nhờ quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu với xu hướng chuyển dịch khá rõ và tích cực, theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành.
Đáng chú ý, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, cùng đó là giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tích cực phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm (từ 9,1% năm 2010 xuống còn khoảng 8,1% năm 2016 và 6,72% năm 2019 và ước chỉ còn 5,55% năm 2020).
Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82% trong năm 2020. Xét cả giai đoạn 2016 - 2020, nhóm ngành này liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 14,27% năm 2016 lên 16,48% vào năm 2019 và ước đạt 16,7% vào năm 2020).
Công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tích cực phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành, các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, dệt may, da giày... tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội với khoảng 300.000 việc làm mỗi năm.
“Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!