Đà Nẵng, Hội An vắng khách du xuân
Sau đợt dịch COVID-19 trong năm 2020, cả ngành du lịch Quảng Nam và Đà Nẵng gần như kiệt sức. Nếu như dịp Tết mọi năm, hàng vạn lượt khách đến 2 địa phương này du lịch, thì nay không khí vắng vẻ bao phủ khắp nơi.
Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế trong năm qua sụt giảm tới gần 80%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành cũng vì thế mà giảm đi phân nửa so với năm 2019. Khoảng 14.000 lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam đã phải tạm ngừng việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc.
Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tiếp tục khó khăn
Theo hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, dù chưa xuất hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại đây, nhưng theo khảo sát, khoảng 30% lượng khách đặt tour qua các đơn vị lữ hành trong hiệp hội đã hủy dịch vụ vào đầu tháng 2 này, chủ yếu là các du khách từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Dự báo, tình trạng khó khăn của ngành du lịch sẽ còn kéo dài.
Cả phòng dẫn tour khách quốc tế của Công ty du lịch Việt Nam Travelmart có hàng chục nhân viên, nay chỉ còn 2 người. Người đứng đầu công ty lữ hành này đã lường trước được ngày mình chia tay những nhân viên đã từng gắn bó bao năm. Tuy nhiên, khi đối diện với thực tế thì không thể kiềm lòng, 30 - 40 người đã được cho thôi việc vì công ty không đủ sức gồng gánh và con số ấy không ngừng tăng lên.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch. (Ảnh: Báo Đầu tư)
"Việc đó rất là buồn nhưng không có cách nào khác. Trong 10 tháng, công ty gần như không có nguồn thu. Trong 10 tháng đó, nếu trang trải chi phí cho 100 nhân sự thì rất là lớn", ông Nguyễn Như Nam, Giám đốc Công ty du lịch Việt Nam Travelmart, chia sẻ.
Các đối tác lữ hành và lưu trú không có khách, đồng nghĩa vận tải cũng không lăn bánh. Việc chẳng đặng đừng, chủ một doanh nghiệp đã thanh lý hàng loạt xe dù bù lỗ. Công ty có hơn 10 xe thì nay chỉ còn 2, nhưng 2 chiếc này hiện cũng chỉ hoạt động chưa quá 30% công suất.
"Dịch bệnh cả năm, bọn em cũng cố gắng duy trì, nhưng nói chung mình phải cắt giảm thì mới tồn tại được. Nhiều anh em vay ngân hàng cũng rơi vào khó khăn, phải bán xe và có khi phải nợ thêm", anh Tạ Hùng Cường, Giám đốc Công ty vận tải Hùng Cường Đà Nẵng, cho biết.
Nhiều khách sạn trên tuyến phố biển Đà Nẵng đóng cửa và rao bán. Chỉ riêng đường Võ Nguyên Giáp, số khách sạn rao bán đã lên đến hàng chục. Sự lụi bại của người này cũng song hành cơ hội cho người khác.
"Chắc chắn công việc tụi em nhiều hơn, thứ nhất là xem khách sạn cho khách hàng, vừa đi thẩm định cho khách hàng, vừa đi tìm sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Ví dụ như hiện tại có khách sạn 4 sao đang bán, mức giá rất tốt cho nhà đầu tư", anh Đặng Hoàng Nam, môi giới bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam, cho hay.
Giá tốt, không ít người đã nghĩ mình vớ bở khi mua hoặc thuê lại, ba tỷ đồng cho phí sửa chữa và tân trang, với hy vọng nhận được quả ngọt. Ngọt đâu chưa tỏ, trái đắng đã hiển hiện khi dịch bệnh tiếp tục bủa vây.
Sau đợt dịch COVID-19 trong năm 2020, cả ngành du lịch Quảng Nam và Đà Nẵng gần như kiệt sức. (Ảnh: Báo Đầu tư)
"Hiện tại mình nợ ngân hàng khoảng 8 tỷ. Nhiều lúc mình nghĩ rất bi quan, nhưng nếu bi quan, nếu suy nghĩ tiêu cực thì cũng không thể cứu vãn trong những lúc này", anh Phạm Văn Thanh, chủ khu nghỉ dưỡng Làng Dừa Hội An, bày tỏ.
Lạc quan là liều thuốc tinh thần vợ chồng anh Thanh tự uống mỗi ngày. Khu nghỉ dưỡng không khách cũng không còn bóng dáng nhân viên. Tuy vậy, mỗi ngày 2 vợ chồng vẫn duy trì thói quen dọn dẹp để xốc lại tinh thần, bởi còn nước, thì còn tát.
Sự sụt giảm của ngành du lịch
Không chỉ ở Hội An hay Đà Nẵng, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, kéo theo sự sụt giảm nhiều ngành, lĩnh vực liên quan. Dịch bệnh đã nhanh chóng đóng băng ngành du lịch thế giới và du lịch Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2020, do việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn COVID-19, tổng thu du lịch của nước ta đã giảm gần 60% so với năm 2019. Khoảng 40 - 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10 - 15%.
Thay vì lựa chọn các địa danh du lịch nổi tiếng làm điểm đến như mọi năm, hàng ngàn du khách đã lựa chọn phương án hủy vé ở nhà để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Việc làm này dù gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch, nhưng thiết nghĩ đây cũng là một trong những hành động đúng đắn để góp phần cùng cả nước chung tay đẩy lùi đại dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!