Theo báo cáo Các chỉ số chính của châu Á và Thái Bình Dương 2022 của ADB, tăng trưởng kinh tế của châu Á và Thái Bình Dương trong năm nay được kỳ vọng sẽ giảm tỷ lệ người nghèo cùng cực (được định nghĩa là sống dưới 1,9 USD/ngày) xuống mức lẽ ra có thể đạt được vào năm 2020 nếu đại dịch không xảy ra.
Báo cáo cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm gián đoạn xu hướng giảm nghèo lâu dài ở châu Á và Thái Bình Dương. Dù các nền kinh tế đang phục hồi, nhưng tiến triển là không đồng đều. Đại dịch cũng có thể làm tồi tệ thêm các loại hình nghèo khổ ngoài thu nhập, ví dụ như mất an ninh lương thực và tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục không đầy đủ, theo nhận định của báo cáo.
"Người nghèo và người dễ tổn thương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, và trong khi các nền kinh tế đang phục hồi, rất nhiều người có thể nhận thấy rằng việc thoát nghèo thậm chí còn khó khăn hơn trước kia", Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park cho biết.
Theo ông Albert Park, các chính phủ trong khu vực cần tập trung vào khả năng chống chịu, đổi mới sáng tạo và tính bao trùm để cung cấp cơ hội kinh tế đồng đều hơn và sự dịch chuyển xã hội lớn hơn cho tất cả mọi người.
ADB dự báo tới năm 2030, tỷ lệ nghèo cùng cực trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương được kỳ vọng giảm còn dưới 1%. Đồng thời, dự kiến khoảng 25% dân số sẽ vươn lên ít nhất là tầng lớp trung lưu, được định nghĩa là có thu nhập hoặc tiêu dùng trung bình theo ngày từ 15 USD trở lên, điều chỉnh theo sức mua tương đương.
Tuy nhiên, triển vọng này bị đe dọa bởi những khác biệt trong dịch chuyển xã hội, cũng như những yếu tố bất ổn khác. Châu Á đang phát triển đối mặt với nguy cơ lạm phát đình đốn, xung đột tiếp diễn liên quan tới những tác nhân chủ chốt toàn cầu, mất an ninh lương thực gia tăng và các cú sốc giá năng lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!