Jeff Meng, một tín đồ hàng hiệu 25 tuổi, xuất thân từ một gia đình giàu có ở Quảng Đông, Trung Quốc có 160.000 nhân dân tệ (gần 530 triệu đồng Việt Nam) muốn tiêu mà không thể tiêu được. Giờ anh đang muốn mua một chiếc Rolex Daytona. Đó là một chiếc đồng hồ có mặt trắng đen, được gọi là "gấu trúc".
Thế nhưng Jeff Meng không tài nào tìm mua được tại Trung Quốc. Đại dịch COVID-19 làm hạn chế đi lại quốc tế khiến gián đoạn mạng lưới các nhà nhập khẩu. Vì thế, những người nghiện hàng xa xỉ ở Trung Quốc như anh Meng đang chẳng biết mua hàng ở đâu.
Bộ sưu tập đồng hồ xa xỉ của anh Meng (Nguồn: Bloomberg)
Thời COVID-19, xu hướng mua hàng xa xỉ thay đổi tại Trung Quốc
Theo thống kê, hàng năm, người giàu Trung Quốc chi khoảng 111 tỷ USD cho nhu cầu hàng xa xỉ. Đơn vị tư vấn Bain & Co. thống kê trước đại dịch, hai phần ba số lượng hàng xa xỉ người Trung Quốc mua ở nước ngoài. Đa phần người dân Trung Quốc chi tiêu trong các kỳ nghỉ hoặc mua thông qua các kiểu hàng xách tay.
Còn giờ đây, đi du lịch là không thể và những người bán hàng xách tay cũng gặp khó khăn để chuyển hàng về trong nước. Vì thế, đại dịch đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc chuyển đổi xu hướng tiêu dùng. Một số người đã bắt đầu tìm kiếm một số kiểu dáng hoặc mẫu mã nhất định mà họ có thể mua tại cửa hàng trong nước. Cũng có một số người chuyển sang tìm mua đồ hiệu đã qua sử dụng.
Biểu diễn nghệ thuật trước cửa hàng đồ hiệu tại Trung Quốc (Nguồn: Bloomberg)
"Tôi nhận ra mua đồ hiệu trong nước thật tuyệt vời khi tôi có thể thử quần áo trong trung tâm thương mại và nhân viên bán hàng coi tôi như một khách hàng thường xuyên, chứ không phải là một khách du lịch. Ngay cả sau khi du lịch quốc tế trở lại bình thường, tôi sẽ tiếp tục mua sắm nhiều hơn ở nhà." Ông Zhang Zhang, một giám đốc tài chính ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến chia sẻ như vậy.
Hãng tư vấn Boston Consulting Group ước tính thị trường đồ xa xỉ nội địa tại Trung Quốc tăng tới 10% trong năm nay, khác hẳn với mức giảm 45% trong ngành này ở mức độ toàn cầu. Còn theo dự báo của Bain & Co, vào năm 2025, hơn một nửa số giao dịch mua hàng xa xỉ của Trung Quốc sẽ diễn ra trong nước.
Các thương hiệu xa xỉ buộc phải thay đổi
Các thương hiệu xa xỉ đang phải thay đổi. Ví dụ như Balenciaga, MontBlanc phải tìm cách tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc theo cách khác, bất chấp những lo ngại trước nay như vấn đề hàng giả, hàng nhái.
Bà Amrita Banta, giám đốc điều hành tại công ty nghiên cứu hàng xa xỉ Agility Research, cho biết người Trung Quốc giờ đây cảm thấy không an toàn ở nước ngoài. Các thương hiệu hàng đầu nên tăng nhập khẩu từ nước ngoài vào Trung Quốc, cung cấp một phạm vi rộng hơn và có giá tốt. Bây giờ họ có thể mở rộng phạm vi đến nhiều thành phố hơn, kể cả những thị trấn nhỏ có xu hướng chi tiêu.
"Xu hướng chi tiêu nhiều hơn trong Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc chúng tôi xem xét lại mạng lưới cửa hàng của mình." Ông Jean-Marc Duplaix, Giám đốc tài chính của tập đoàn hàng xa xỉ Kering SA, chia sẻ như vậy.
Bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc (Nguồn: Getty Images)
Đã xuất hiện làn sóng các thương hiệu xa xỉ như Prada, Miu Miu, Balenciaga, Piaget và MontBlanc mở các cửa hàng trực tuyến trên nền tảng của Tập đoàn Alibaba Holding Hold Tmall trong năm nay. Còn các thương hiệu như Louis Vuitton, Givenchy và Chloe đã bắt đầu sử dụng phát trực tiếp để đẩy sản phẩm tại Trung Quốc. Đây là một xu hướng bán hàng phổ biến mới tại Trung Quốc và được yêu thích. Bởi lẽ, nó tạo cơ hội cho người bán nói chuyện trực tiếp với khán giả hàng giờ liền. Người xem cũng là khách hàng có thể theo dõi người bán thử sản phẩm trực tiếp.
Doanh nghiệp Trung Quốc thừa thắng xông lên
Nắm bắt được nhu cầu, lập tức tại Trung Quốc xuất hiện các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hiệu quả cho các thượng đế giàu có. Ponhu Technology Co. là một ví dụ. Đây là một nền tảng bán hàng hiệu đã qua sử dụng nổi tiếng ở Trung Quốc. Nhà sáng lập Ma Cheng của Ponhu Technology Co. chia sẻ doanh thu của nền tảng này đã tăng gấp ba trong năm nay, kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Người bán hàng của Ponhu Technology Co. (Nguồn: Bloomberg)
Nền tảng bán hàng hóa đã qua sử dụng của JD.com có tên Paipai cũng chứng kiến doanh số bán hàng xa xỉ tăng 138% chỉ trong 18 ngày trong tháng 6.
Hàng hiệu trong kho của nền tảng bán hàng hiệu đã qua sử dụng Ponhu Technology Co. (Nguồn: Bloomberg)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!