CPTPP: Nỗ lực hội nhập của Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 08/03/2018 22:22 GMT+7

VTV.vn - Một số nền kinh tế tại châu Á như Việt Nam, Malaysia, Brunei đã thể hiện quyết tâm hội nhập, phát triển trong một "cuộc chơi" có trình độ cao.

Chỉ còn ít giờ nữa Việt Nam sẽ cùng 10 quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Thủ đô Santiago của Chile. Những nỗ lực trong thời gian qua của các quốc gia thành viên cho thấy điều gì và CPTPP sẽ có những tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam, nhất là xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.

Trước hết có thể khẳng định: Với những nỗ lực đàm phán và tiến tới ký kết CPTPP, Việt Nam và một số nước châu Á đã trở thành lá cờ đầu của tự do thương mại khu vực. Điều này đã thể hiện rõ bản lĩnh hội nhập cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc mạnh dạn tiên phong tham gia những sân chơi lớn với nhiều khó khăn, nhằm nắm bắt cơ hội do hội nhập mang lại.

Thứ nhất, nó phản ánh rằng, các nước thành viên còn lại vẫn coi mở cửa, hội nhập kinh tế thương mại là một xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới. Dù không có Mỹ tham dự, CPTPP vẫn là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống, như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại; đồng thời, xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước.

CPTPP còn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Ngoài ra, CPTPP 11 với 11 thành viên tuy có quy mô nhỏ hơn TPP 12 thành viên trước đây nhưng vẫn chiếm quy mô 14% GDP thế giới và 1/6 thương mại toàn cầu; tạo ra một thị trường 500 triệu người tiêu dùng, lớn hơn cả khối thị trường chung Liên minh châu Âu.

Thứ hai, việc CPTPP được ký kết cho thấy, trong bối cảnh bảo hộ đang có xu hướng quay lại trên thế giới, một số nền kinh tế tại châu Á như Việt Nam, Malaysia, Brunei, tuy có trình độ phát triển còn thấp so với nhiều thành viên còn lại trong CPTPP nhưng đã thể hiện quyết tâm hội nhập, phát triển trong một "cuộc chơi" có trình độ cao. Đổi lại, tham gia vào sân chơi CPTPP này, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để để thâm nhập vào một khu vực thị trường rộng lớn, có điều kiện và chịu "sức ép tích cực" để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút hơn nữa những nguồn lực phục vụ phát triển, sản xuất và đầu tư.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước